Bệnh đóng dấu lợn được ghi nhận lần đầu tại Pháp năm 1882 do hai nhà khoa học Pasteur và Thuiller phát hiện. Tuy nhiên tới năm 1885 thì căn nguyên gây bệnh mới được tìm ra do Loffler và Schuitz tìm ra. Tất cả là do loại vi khuẩn Gram dương Erysipelothrix rhusiopathiae hay còn gọi là Bacteria rhusiopathia đã gây ra căn bệnh nguy hiểm này cho gia súc khá nhiều nơi.
Thông thường căn bệnh diễn biến mạnh mẽ vào mùa đông và xuất hiện nhiều ở lợn 3-12 tháng tuổi. Vào thời kỳ và thời gian này lợn dễ bị Stress kết hợp với sự thất thường của thời tiết khiến sức đề kháng của lợn yếu dễ mắc bệnh. Tuy vậy trường hợp này chỉ diễn ra ở lợn nuôi nhà còn lợn thiên nhiên hoang dã thì không bao giờ mắc bệnh nhờ sức đề kháng tuyệt vời của chúng.
Nguyên nhân gây bệnh đóng dấu ở heo
Bệnh đóng dấu lợn là bệnh truyền nhiễm của loài lợn do vi khuẩn gram dương gây nên, có nhiều chủng khác nhau, có chủng độc lực cao. Vi khuẩn có nhiều trong đất, nước, phân… vì thế chúng còn có tên là trực trùng thổ nhưỡng. Bệnh xảy ra quanh năm và ở mọi lứa tuổi của lợn, nhưng chủ yếu xảy ra vào thời điểm giao mùa (mùa xuân sang mùa hè) cộng với điều kiện chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh thú y là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát sinh, phát triển xâm nhập vào cơ thể lợn.
Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ lợn ốm sang lợn khỏe, hoặc gián tiếp qua thức ăn, nước uống, các chất bài tiết hoặc do vận chuyển, mổ thịt lợn mắc bệnh.

Triệu chứng nhiễm bệnh
Khi heo bị mắc bệnh đóng dấu, thường có một số triệu chứng điển hình như sốt cao, bỏ ăn, nằm một chỗ, phân táo, mắt viêm đỏ ửng, chảy nước mắt, nước mũi, nhất là trên da xuất hiện những dấu đỏ hình vuông, tứ giác, chữ nhật, lấy ngón tay ấn vào da cổ, lưng, bụng, hông thấy dấu đỏ nổi cộm lên và dấu mất đi. Khi heo mắc bệnh ở thể quá cấp, chết rất nhanh, có khi chỉ trong vòng 2 – 3 giờ hoặc 12 – 24 giờ, thân nhiệt đột ngột lên cao, mắt đỏ, điên cuồng, sau rúc đầu vào khe tường hoặc hộc máu ra rồi chết, các dấu đỏ ở ngoài da chưa kịp xuất hiện.
Bệnh tích bệnh đóng dấu ở heo
Mổ khám lợn bệnh thấy thận bị sưng, da và mô liên kết dưới da tụ máu đỏ hồng, các niêm mạc tụ máu, xuất huyết; trên da có các dấu màu đỏ hay tím bầm ăn sâu vào da; lách, thận sưng to, tụ máu màu đỏ nâu. Mặt lách sần sùi, nổi phòng từng chỗ; ruột và dạ dày viêm đỏ; phúc mạc viêm có nước chảy ra; tim bị tụ huyết, xuất huyết, phổi tụ huyết; viêm màng trong tim, van tim sần sùi. Viêm khớp đầu xương sần sùi; da khô, rộp lên từng mảng.
Hướng điều trị

Đây là bệnh do vi khuẩn gây ra. Do vậy việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giảm đáng kể tỷ lệ chết. Cần cách ly những con hoặc cả đàn để điều trị. Nên sử dụng kháng sinh điều trị như: Ampicilin – Kanamycin, Penicilin – Kanamycin, Penicilin + Streptomyxin… Tiêm bắp ngày 2 lần, trong 4 – 5 ngày. Khi sốt cần dùng thuốc hạ sốt: Analgil hoặc Analgil C. Dùng thuốc trợ sức, trợ lực và thuốc bổ Cafein, Sorbitol B12, Vitamin C, B – Complex… Ngoài ra, cần chú ý cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và nước uống.
Cách phòng bệnh
Cần vệ sinh chuồng trại, khu chăn nuôi sạch sẽ, thức ăn, nước uống đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh. Định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại, khu chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh. Nhất thiết phải tiêm vaccine tụ dấu cho heo từ 2 tháng tuổi trở lên. Làm vậy để phòng bệnh tụ huyết trùng và bệnh đóng dấu. Sau đó cứ 6 tháng tiêm nhắc lại 1 lần.