Cá tra là mặt hàng thủy sản xuất khẩu phổ biến bậc nhất ở nước ta. Loài cá này được nuôi với quy mô lớn, tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Giống như đa số các loài thủy sản khác, trong quá trình nuôi có thể do tác động của con người hay môi trường mà cá có thể mắc một số bệnh. Mức độ nguy hiểm của các bệnh khác nhau, nhẹ thì có thể tự khỏi, nặng có thể làm cá chết hàng loạt. Bài viết dưới đây sẽ phân tích cho bà con nông dân về căn bệnh xuất huyết thường gặp ở cá tra nuôi. Bà con có thể dựa vào tác nhân gây bệnh, biểu hiện của bệnh để theo dõi đàn cá của mình. Nếu có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh thì đưa đi xét nghiệm.
Bệnh xuất huyết trên cá tra
Bệnh gây xuất huyết khắp trên da cá, tập trung nhiều ở gốc vây, xung quanh miệng, hầu. Trường hợp bệnh nặng, cá nhiễm ngoại ký sinh trùng hoặc nhiễm bệnh do nhiễm vi khuẩn, tỷ lệ hao hụt có thể cao hơn 50%. Bệnh xuất huyết là một trong những bệnh có tần số xuất hiện cao nhất trên cá tra nuôi. Ở đồng bằng sông Cửu Long bệnh này xuất hiện hầu như quanh năm, phổ biến nhất là giao mùa. Nguyên nhân do lúc bị sốc do đánh bắt, vận chuyển, ao nuôi có hàm lượng khí nitrite và ammonia cao, oxy hòa tan thấp. Bệnh có thể xuất hiện ở tất cả giai đoạn phát triển của cá tra nuôi.
Phân tích tác nhân gây bệnh
Bệnh xuất huyết cá tra còn gọi là bệnh đốm đỏ hay bệnh đỏ mỏ đỏ kỳ. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Aeromonas hydrophila. Loài vi khuẩn đặc thù vùng nước ngọt. Ngoài ra, một số trường hợp còn phân lập được vi khuẩn A.sobria và A.caviae trên cá bị bệnh. Hiện tượng xuất huyết hoặc đốm đỏ cũng có thể là dấu hiệu lâm sàng phổ biến của một số tác nhân gây bệnh khác như Edwarsiella tarda, Speudomonas spp. Tuy nhiên, để xác định chính xác tác nhân gây bệnh và lựa chọn loại thuốc hiệu quả, người nuôi cần mang mẫu cá bệnh đến các phòng chuẩn đoán. Định danh chính xác tác nhân và làm kháng sinh đồ xác định loại thuốc đặc trị.
Biểu hiện của bệnh
Bệnh gây xuất huyết khắp trên da cá, tập trung nhiều ở gốc vây, xung quanh miệng, hầu. Hậu môn viêm, xuất huyết. Bụng chướng to có chứa dịch màu vàng hoặc hồng, các cơ quan nội tạng như ruột, bóng hơi, tuyến sinh dục cũng xuất huyết. Gan tái nhạt, thận, tỳ tạng sưng to, mềm nhũn, màu đỏ sậm. Trường hợp bệnh nặng, cá nhiễm ngoại ký sinh trùng hoặc nhiễm bệnh do nhiễm vi khuẩn, tỷ lệ hao hụt có thể cao hơn 50%. Mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh có thể xuất hiện quanh năm trên cá tra nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long.
Cách phòng và điều trị bệnh
Phòng bệnh trên cá tra
– Trong quá trình nuôi, người nuôi phải quản lý các yếu tố môi trường. Giảm các nguy cơ gây sốc cho cá như thay đổi nhiệt độ, pH…
– Hạn chế đánh bắt làm xây xát cá, tránh nhốt giữ cá với mật độ quá dày.
– Định kỳ xử lý các chất mùn bả hữu cơ lơ lửng trong ao bằng cách bón vôi ở đáy ao hoặc chế phẩm sinh học.
– Nên kiểm soát việc cho cá ăn, thức ăn phải có chất lượng cao. Cho ăn theo tỷ lệ thích hợp với cỡ cá và số lượng cá trong ao nuôi.
– Thường xuyên quan sát hoạt động của cá để phát hiện bệnh kịp thời.
Trị bệnh hiệu quả
– Trường hợp cá hương, cá giống bị bệnh xuất huyết, trị bằng thuốc kháng sinh. Đưa thuốc vào cơ thể cá bằng đường miệng chỉ có kết quả khi cá mới chớm bệnh. Do vậy, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là rất quan trọng trong điều trị. Khi cá bệnh nặng, việc điều trị thường không mang lại kết quả.
– Hơn 80% các chủng vi khuẩn gây bệnh xuất huyết nhạy với thuốc kháng sinh doxycycline. Trường hợp cá còn khả năng bắt mồi, nên dùng thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn và cho cá ăn liên tục ít nhất là 7 – 10 ngày. Với liều lượng 50 – 80mg/kg cá/ngày.
– Trường hợp ao cá tra bị nhiễm bệnh này, cần phải sử dụng hóa dược để diệt vi khuẩn trong môi trường nuôi như BKC, (BKC + Amyl acetate) hoặc iốt.
Tóm lại, việc phòng bệnh ở cá tra phải kết hợp với quản lý tốt môi trường nuôi. Và khi xử lý bệnh cần phải kết hợp với việc cải thiện môi trường.