Chim trĩ đỏ được nhiều nông dân ưa chuộng vì mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều giống chim trĩ đã được thuần hóa trong tự nhiên và được con người lai tạo. Hiện chim trĩ đỏ vẫn nằm trong danh sách động vật hoang dã nên việc nuôi chim trĩ đỏ phải báo với lực lượng kiểm lâm địa phương. Vì là giống chim quý hiếm nên người nuôi chim cần biết cách chăm sóc và chọn giống.
Nuôi chim trĩ đỏ ra đời trong những năm gần đây là mô hình chăn nuôi mới góp phần bảo vệ nguồn gen quý hiếm (chim trĩ đỏ có tên trong Sách đỏ Việt Nam). Cung cấp giống cho các khu bảo tồn, các khu du lịch sinh thái, nhằm bảo vệ các loài động vật hoang dã. Mô hình và kỹ thuật nuôi chim trĩ đỏ hiện được nhiều hộ gia đình quan tâm. Nội dung bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm trong việc nuôi chim trĩ đỏ.
Kỹ năng làm chuồng nuôi chim trĩ đỏ
Chim trĩ không cần chuồng nuôi cầu kỳ, phức tạp. Có thể tận dụng các chuồng lợn, chuồng gà hoặc nhà cũ. Yêu cầu thoáng mát và có lưới quây xung quanh tránh để chim trĩ bay đi. Chim trĩ từ 1-3 tháng tuổi phải được nuôi nhốt trong chuồng có đệm lót bằng trấu, tránh tiếp đất. Chú ý vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, tránh để động vật hay người lạ ra vào khu vực nuôi chim.
Chọn giống nuôi chim trĩ đỏ

Chọn những con chim khỏe mạnh, dáng đi vững vàng, không bị khuyết tật, bệnh tật. Khi chim được khoảng 3 tháng tuổi thì hình dáng và màu sắc lông thay đổi giúp ta phân biệt được chim trống mái: Chim trống có thân hình to hơn, lông có màu đỏ pha, tuyến lông cổ có màu đồng, phía dưới màu xanh hoặc tím sáng. Trên má hình thành 2 mào đỏ và 2 chỏm lông màu xanh sẫm. Lông đuôi dài màu vàng nhạt với những sọc ngang màu đen. Chim mái có thân hình nhỏ hơn, sau khi thay lông chim mái có bộ lông màu tối điểm những đốm đen, pha lẫn màu hạt dẻ. Chim mái có lông đuôi ngắn
Chăm sóc chim trĩ đỏ
Giai đoạn chim non ( Từ 1 ngày đến 3 tháng tuổi)
Chim được nuôi trong nhà được quây kín và thắp bóng điện sưởi ấm. Nhiệt độ thích hợp cho chim non là 25-27 độ C. Tránh gió lùa, mưa tạt, tránh các loài động vật tấn công như chó, mèo, chuột… Thức ăn: Sử dụng cám viên dành cho gà con, sử dụng máng ăn, uống cũng dành cho gà hoặc máng ăn tự chế.
Giai đoạn chim trưởng thành
Chim được nuôi trong chuồng lớn, quây kín xung quanh để tránh chim bay đi. Nền được lót bằng 1 lớp cát 3cm để cho chim tắm cát và làm ổ đẻ. Thức ăn: Sử dụng cám viên cho gà trưởng thành, chộn thêm ngô, thóc cho chim ăn. Có thể chộn thêm rau xanh vào khẩu phần ăn như rau muống, rau lang hay thân chuối thái nhỏ. Khi chim trưởng thành thường xảy ra hiện tượng cắn mổ. Tách riêng những con chim bị thương khoảng 4-5 ngày cho lành vết thương rồi thả lại. Bổ xung Ca, Zn và cac loại thuốc cắn mổ cho chim để hạn chế tình trạng ắn mổ. Ngoài ra nên cắt, mài bớt phần mỏ dưới của chim
Giai đoạn sinh sản
Chim trĩ trống có khả năng đạp mái liên hồi làm cho con mái trong tình trạng hoảng loạn, dễ gây stress và dập trứng nên bà con cần chú ý nên nuôi 1 con chim trống với 3 con chim mái. Chim trĩ nuôi khoảng 7-8 tháng thì đẻ trứng, đẻ 1 tháng lại nghỉ, mỗi ngày chim đẻ 1 quả. Chim trĩ không có thói quen ấp trứng, ở ngoài tự nhiên chúng thường đẻ vào ổ của những con chim khác. Trong môi trường nuôi nhốt có 2 cách để ấp trứng:
- Cách 1 : dùng động vật khác có thân nhiệt tương tự để cho ấp thường dùng gà mái hay gà tre để ấp trứng. Cách này dể làm nhưng tỷ lệ nở không cao và không áp dụng được với chăn nuôi quy mô lớn.
- Cách 2: Dùng máy ấp trứng gia cầm để ấp, thời gian ấp khoảng 22-23 ngày với nhiệt độ 37 độ C, và ẩm độ 55 %, khi trứng được 18 ngày tăng độ ẩm dần lên 60 – 70 % để trứng chim dễ nở.

- Thức ăn của chim: Giai đoạn này có thể cho chim ăn thêm cám gà đẻ vào khẩu phần ăn hàng ngày giúp tăng chất dinh dưỡng và kéo dài thời gian đẻ trứng.
Vệ sinh phòng bệnh
- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi. Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh xung quanh chuồng nuôi. Định kỳ phun thuốc khử trùng tiêu độc.
- Che chắn chuồng nuôi đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Sử dụng thức ăn nước uống đảm bảo vệ sinh.
- Định kỳ tiêm phòng vắc xin đối với một số bệnh thường gặp như Newcaste, Cúm gia cầm…Sử dụng kháng sinh cho vào thức ăn, nước uống để phòng một số bệnh do vi khuẩn như tụ huyết trùng, cầu trùng, thương hàn.
- Định kỳ diệt trừ các loài động vật gặm nhấm, chim hoang và côn trùng có hại khác.