Thịt lươn có giá trị dinh dưỡng cao, rất giàu protein, vitamin và khoáng chất. Thịt lươn được dùng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn và có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho người già cũng như trẻ nhỏ. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về lượng lươn được tiêu thụ thì hiện nay có nhiều hình thức nuôi lươn được nhiều nơi thử nghiệm và cho nhiều kết quả khả quan, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người chăn nuôi.
Việc xây dựng bể nuôi lươn thịt phải đảm bảo chiều dài 2-5 m. Hình thức tốt nhất là xây bể chìm dưới mặt đất từ 20-40 cm, lớp nước vào khoảng 10-20 cm, cách mặt nước 30 cm. Để bà con hiểu hơn về kỹ thuật nuôi lươn thịt đem lại hiệu quả kinh tế cao, mời bà con theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.
Xây dựng bể nuôi
– Chọn nơi dễ cấp và thoát nước để làm ao hoặc xây bể nuôi lươn.
– Xây bể phải đảm bảo chiều dài từ 2 – 5 m. Tốt nhất là xây bể chìm dưới mặt đất 20 – 40 cm, đáy đổ lớp bùn nhuyễn dày 20 – 40 cm, lớp nước 10 – 20 cm, thành bể cao hơn mặt nước 30 cm. Mép trên bể cần tạo gờ để lươn không leo ra ngoài.
– Đối với ao nuôi lươn cần chọn nơi đất cứng, đào sâu 20 – 40 cm, tạo bờ ao cao 40 – 60 cm, rộng 1 m, lót đáy ao một lớp giấy dầu và ni lông rồi phủ một lớp bùn hoặc bùn trộn cỏ, dày 20 – 30 cm. Trong ao có thể thả một ít bèo tây hay bèo cái làm nơi trú ẩn cho lươn.

Tiêu chí chọn lươn giống
– Chọn lươn giống khoảng 30 – 40 con/kg, thân khỏe, không bị thương. Trước khi thả cần sát trùng bằng dịch Xanh malaxit 10ppm trong 25 – 30 phút, ở nhiệt độ 24 – 260 C để trị bệnh nấm hoặc thả lươn vào dung dịch nước muối 3 – 4% trong 4 – 5 phút nhằm trị bệnh ký sinh trùng. Mật độ thả lươn giống 50 – 60 con/m2.
Thức ăn
Thức ăn cho lươn có nguồn gốc từ động vật như tép, cá tạp, ốc bươu vàng cắt nhỏ sẽ lớn nhanh hơn so với thức ăn có nguồn gốc từ thực vật. Tuy nhiên để giảm bớt chi phí và chủ động nguồn thức ăn có thể phối chế thức ăn cho lươn với tỉ lệ đạm động vật và thực vật là 7:3 hoặc 8:2.
Thức ăn đạm động vật nên băm nhỏ hay xay nhuyễn, để sống hoặc nấu chín. Phần đạm thực vật cần nấu chín, để nguội. Sau đó trộn đều 2 phần này với nhau. Trộn thêm bột gòn để tạo độ dính cho thức ăn. Đồng thời bổ sung thêm các vitamin, men tiêu hóa như: Vitalec, Mita Glucan, Mita Aquazyme, …để chống stress, tăng cường sức đề kháng cho lươn, giúp lươn tăng trọng tốt. Không cho lươn ăn thức ăn đã ươn thối.
Cách chăm sóc

– Cho lươn ăn lúc 6 – 7 giờ tối với lượng thức ăn mỗi ngày bằng 5 – 7% trọng lượng lươn trong ao. Thức ăn của lươn thường là sâu bọ, giun, nòng nọc, nhộng tằm, tôm tép, cá vụn hoặc phế phẩm từ các lò mổ, thịt trai, hến… Không dùng thức ăn ôi thiu.
– Cần thay nước trong ao ngay khi có hiện tượng thối, bẩn. Khi mưa to, cần tháo bớt nước tránh làm tràn lươn. Mùa hè làm giàn che trên mặt ao.
– Thường xuyên kiểm tra bể để sửa chữa kịp thời phòng lươn leo ra ngoài.
Thu hoạch
- Sau thời gian nuôi, khi lươn đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch nên cho lươn nhịn ăn 1 ngày.
- Năng suất: Tùy theo mật độ nuôi lươn, năng suất có thể đạt từ 15 – 20kg/m2/vụ (mật độ 150 con/m2), năng suất có thể tăng gấp đôi nếu nuôi mật độ cao. Sau khi thu hoạch cần vệ sinh bể sạch sẽ để chuẩn bị nuôi vụ tiếp theo.