Có lẽ nấm Tràm vẫn còn là một nguyên liệu khá lạ tai. Đây là một loại nấm có giá trị dinh dưỡng cao và được xem là một trong những đặc sản của người dân xứ Huế. Người Huế thường gọi là “lộc trời”. Vì không cất công trồng mà chỉ cần “hưởng lộc” vào mỗi mùa mưa, có nơi chỉ kéo dài khoảng một tuần.
Sau một thời gian nắng nóng kéo dài, những trận mưa kéo đến cũng là lúc nấm tràm sinh sôi nảy nở, thu hút người dân vào rừng tràm, tìm hái nấm. Nấm tràm có màu nâu nâu, tim tím, hình dáng rất đẹp… Đến mùa thu hoạch, mỗi gia đình hái được vài tạ mang ra chợ bán cũng kiếm được cả khối. Nấm tràm có vị đăng đắng, song nấm tràm cuốn hút không ít người từng thưởng thức qua bởi dư vị rất ngọt ngào và nhiều công dụng bổ dưỡng khác.
Nấm tràm là đặc sản ở Huế
Nếu bạn chưa từng được thưởng thức món nấm tràm trước đây thì cũng đừng quá ngạc nhiên. Bởi món nấm này không phổ biến như các loại nấm khác. Mà chỉ xuất hiện ở 1 số khu vực đặc biệt tại nước ta. Nấm tràm là loại nấm mọc hoang trên lớp lá mục. Dưới tán rừng tràm, rừng bổi hay rừng bạch đàn… ở miền Trung. Trong đó đặc biệt được biết đến nhiều ở Huế. Tại các vùng đồi núi của thành phố Huế, đặc biệt là tại các huyện như Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, Hương Thủy… rất nổi tiếng có loại nấm tràm.

Khi những cơn mưa đầu mùa ghé qua cũng là lúc những nụ nấm căng tròn, núc ních đua nhau nhú lên. Tạo thành một thảm thực vật nâu tím đằm thắm dọc các bìa rừng của dãy Trường Sơn xứ Huế. Nấm tràm mọc rất nhanh, nhưng cũng chóng tàn.
Nấm tràm là loại thực phẩm dinh dưỡng cao
Loại nấm này có hình dạng khá đa dạng. Tai màu tím nhạt, tròn và béo múp. Với nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau đều có thể chế biến được. Một điểm đặc biệt của nấm tràm là có vị đắng ngắt. Nếu không biết chế biến sẽ rất khó ăn. Nấm tràm được đánh giá là rất tốt với sức khoẻ. Nhờ chất dầu tràm ở trong nó. Do vậy, người sành ăn luôn mong bát canh nấm tràm càng đắng càng tốt. Bạn sẽ cảm nhận được vị chan chát nơi đầu lưỡi.Nhưng đồng thời cũng sẽ cảm thấy được cái ngon của những miếng nấm tươi giòn, béo ngậy, vị ngọt đọng lại nơi cuống họng.
Tuy khó ăn nhưng nấm tràm lại là loại thực phẩm có dinh dưỡng cao. Khi ăn vào người sẽ được bồi bổ, khỏe và an thần, ngủ ngon. Ngoài ra nó còn chữa được mỏi mệt, cảm cúm, nhức đầu. Và có tác dụng bồi bổ nội tạng. Nhờ chất dầu tràm ở trong nó. Vị đắng lại có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
Thời gian thu hoạch nấm tràm
Thời gian thu hoạch nấm tràm chỉ kéo dài khoảng 7 ngày, hàng năm có hai đợt hái nấm vào tháng 4 và tháng 8 âm lịch. Cứ sau vài ba ngày mưa, người dân ở những vùng này lại rủ nhau vào rừng hái nấm tràm, mà đúng hơn là nhặt nấm vì nó la liệt khắp nơi. Trung bình mỗi kg bán tại chợ dân sinh có giá khoảng 40 – 50.000 đồng.
Việc thu hoạch nấm tràm tưởng đơn giản nhưng lại đòi hỏi người có kinh nghiệm và nhiều sự tỉ mỉ, chị Nguyễn Thị Thủy (Huế) chia sẻ: “Để thu hoạch nấm phải đi qua gần 10km đường rừng sau mưa, chạy xe vòng qua vài ba khu vực để tìm ra manh mối của nấm tràm. Không phải cứ đến chỗ mình thường hái hôm trước là hôm sau sẽ có. Nghề thu hoạch nấm kiểu như chơi trò trốn tìm vậy, có khi đi cả buổi cũng không tìm ra”.

Đặc sản giúp người dân hốt bạc
Gần cả tuần lễ nay, nhiều bà nội trợ xôn xao vì trên mạng, trong các hội nhóm và ở Huế thì dãy hàng chợ cóc, chợ dân sinh đã bắt đầu bày bán đặc sản nấm tràm. Không chỉ có bà con ở những vùng quê chờ đến mùa nấm tràm để hái, mà người ở phố sành ăn họ cũng chờ đến tháng mưa dầm để thưởng thức thứ nấm đặc biệt trời ban. Nhiều người đặt mua online nấm tràm tới cả chục cân để tủ lạnh nấu hoặc phơi khô để đun uống dùng dần vì nếu lỡ vụ này có thể phải chờ đến năm sau mới có thể thưởng thức.
Theo đó, nấm tràm được bán với giá khoảng 40.000 – 50.000 đồng/kg. Do một vụ nấm rất ngắn ngày nên thường chỉ đủ bán cho người dân địa phương. Chị Ngọc Nguyễn (Châu Long, Huế) một người bán hàng online cho biết: “Ban đầu tôi chỉ gửi nấm cho người thân ở ngoài Bắc sau được nhiều người nhờ mua hộ. Từ đấy mỗi vụ nấm tôi gom khắp các chợ sau đó đóng bao bì, cấp đông bán cho khách ở xa, nhưng thường phải đặt trước mới có hàng”.
Tuy có vị đắng tưởng khó ăn nhưng nấm tràm lại chế biến được nhiều món ăn đặc sản như: nấm tràm kho tiêu, canh tập tàng nấm tràm, cháo nấm tràm, nấm tràm um tôm thịt… Để giảm bớt vị đắng của nấm, người nội trợ sẽ rửa nấm qua nước muối trước khi chế biến.