Hiện nay, nuôi bò sữa không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp người chăn nuôi vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, nuôi bò sữa cần phải có nguồn vốn đầu tư lớn. Ngoài ra một vấn đề rất quan trọng khác đó chính là nguồn thức ăn cho bò. Do đó, mỗi ngày đàn bò cần phải có một lượng cỏ rất lớn, nên phải có diện tích đất đủ rộng để trồng cỏ. Không những thế, người chăn nuôi còn phải đối mặt với căn bệnh xê tôn huyết thường gặp ở bò sữa.
Xê tôn huyết ở bò là bệnh đặc trưng rối loạn trao đổi giữa gluxit, protit và chất béo. Kèm theo đó là xuất hiện các triệu chứng tăng xê tôn huyết, xê tôn niệu, xê tôn sữa và giảm đường huyết. Xê tôn huyết là một trong những bệnh rối loạn trao đổi chất chiếm hàng đầu trong số các bệnh ở bò sữa. Để tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này, bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi nhé.
Bệnh xê tôn huyết ở bò sữa là gì?
Đây là một bệnh rối loạn trao đổi chất (chủ yếu là béo và đạm). Trong đó hàm lượng xê tôn tăng cao trong dịch thể (trong máu, sữa, và nước tiểu). Bệnh thường gặp ở bò sữa, đặc biệt là bò sữa cao sản. Bệnh hay xảy ra trên bò sau khi sinh. Nhất là giai đoạn từ 2 – 10 tuần (thường trong 6 tuần đầu) và giữa chu kỳ sữa. Tỷ lệ bệnh này trên thế giới từ 9 – 34%. Ở Việt Nam, tỷ lệ bò bị xê tôn huyết khoảng từ 25 – 50%. Khoảng 4 – 21% tỷ lệ bệnh có triệu chứng lâm sàng và khoảng 30% không có triệu chứng rõ ràng. Bệnh xê tôn làm giảm khả năng đậu thai (từ 20 – 50%), giảm sản lượng sữa (1 – 5 kg/con/ngày), tăng nguy cơ lệch dạ múi khế và viêm tử cung.
Căn nguyên
Có hai trường phái về căn nguyên gây bệnh xeton huyết. Trường phái thứ nhất cho rằng bệnh xảy ra do rối loạn quá trình trao đổi chất. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu giải thích rối loạn này là do trong cơ thể gia súc thiếu glucosa. Một số khác cho rằng do chức năng của hệ thống vỏ tuyến yên – thượng thận yếu. Người ta chia các nguyên nhân thành nguyên phát và thứ phát.

Các nguyên nhân của bệnh xeton huyết nguyên phát là: thức ăn thiếu lượng glucosa và các chất giảm sản (chất xơ, tinh bột). Hoặc thừa lượng thức ăn có tác dụng như xeton, thức ăn thiếu chất và đơn điệu; cho ăn loại thức ăn trồng trên đất chua phèn. Những thức ăn đậm đặc nhưng thiếu lượng gluxit dễ tiêu hoá (tỷ lệ đường protein cao hơn 0,8 : 1). Cho ăn liên tục thức ăn ủ chua chứa nhiều axit butiric và trên 30% axit axetic. Hoặc cho ăn nhiều bỏng rượi, bã bia chứa nhiều acid butyric,… Các nguyên nhân thứ phát là: thiếu vận động tích cực, đèn hồng ngoại thiếu và vi phạm điều kiện vệ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng. Đặc biệt nuôi nhốt bò sữa cao sản trong điều kiện bị stress nhiều dẫn đến tăng xeton huyết.
Triệu chứng của bệnh xê tôn huyết
Bò bị bệnh thường rối loạn tiêu hoá (thích ăn cỏ và không ăn cám, chảy nước dãi, hay nhai, giảm nhu động dạ cỏ và giảm nhai lại, đôi khi tiêu chảy), gầy yếu nhanh và giảm sản lượng sữa. Thân nhiệt bò thường giảm.

Ở giai đoạn đầu của bệnh, bò thường tăng kích thích và thay đổi hành vi, tăng cảm giác da vùng cổ, lồng ngực và thắt lưng. Sang giai đoạn tiếp theo, bò ủ rũ mệt mỏi, đi loạng choạng, thích nằm lỳ, mắt lim dim, các triệu chứng thần kinh thể hiện rõ (điên cuồng, mắt trợn ngược, hai chân trước bắt chéo hay chạng ra, lưng cong, cơ cổ và cơ ngực co giật). Ở giai đoạn cuối bò bị liệt hai chân sau, phản xạ kém nằm lì một chỗ, đầu gục vào bên sườn. Thể mãn tính thường không có triệu chứng mà chỉ thay đổi thành phần sữa, nhất là tỷ lệ béo và đạm của sữa. Tỷ lệ béo/đạm > 1,33 hoặc tỷ lệ béo trong sữa > 4,8% có nghĩa là bò có nguy cơ bị xê tôn rất cao.
Cách để chẩn đoán bệnh
- Dựa vào các triệu chứng lâm sàng (như miêu tả ở trên). Ngoài ra, khi bò bị nặng chúng ta có thể ngửi được mùi xê tôn trong hơi thở, sữa và thậm chí trong nước tiểu.
- Ngoài ra, bệnh xê tôn huyết còn có thể được chẩn đoán bằng cách xác định nồng độ thể xê tôn trong huyết thanh, nước tiểu và sữa bằng các que thử nhanh hoặc các máy phân tích sinh hóa.
Điều trị bệnh xê tôn huyết ở bò sữa

Cho uống Propylene glycol (có thể mua ở các tiệm bán hóa chất) với liều 300 g/lần x 2 lần/ngày. Nên cho uống trong vòng 1 tuần (pha với khoảng 0,5 – 1 lít nước rồi cho uống). Truyền tĩnh mạch dung dịch BIO-GLUCOSE 5% với liều 1.000 ml/lần (truyền trong 15 – 20 phút). Mỗi ngày nên truyền dung dịch BIO-GLUCOSE 5% 2 lần và liên tục 5 ngày. Chích thêm BIO-DEXA với liều 10 ml/con/ngày, chích bắp liên tục 5 ngày. Chích BIO-METASAL với liều 25 ml/con/lần, mỗi ngày 1 lần và trong 3 ngày. Hoặc chích BIO-HEPATOL+B12 với liều 1 ml/25 kg trọng lượng, chích bắp trong 5 ngày liên tục.
Các biện pháp phòng bệnh
- Khi bò sinh xong nên tiêm BIO-METASAL với liều 25 ml/con/lần. Sau 24 giờ tiêm lặp lại lần thứ 2 với liều tương tự.
- Hạn chế bò quá mập (điểm thể trạng > 4) lúc cạn sữa: duy trì khẩu phần nhiều xơ (cỏ và rơm), giảm thức ăn tinh (cám, hèm bia, xác mì…) để duy trì hoạt động dạ cỏ được tốt.
- Cho ăn đủ cỏ chất lượng tốt lúc mới sinh. Sau khi sinh nên tăng thức ăn tinh từ từ (cứ 3 ngày tăng 1 kg). Nên chuyển khẩu phần từ cạn sữa sang cho sữa dần dần khoảng 2 tuần trước khi đẻ.