Trong số các bệnh nguy hiểm gây thiệt hại lớn trong chăn nuôi lợn, không thể không kể đến bệnh lepto ở lợn hay còn được gọi là bệnh xoắn khuẩn, bệnh lợn nghệ. Bệnh lợn nghệ (Leptospirosis) gây ra do xoắn khuẩn có tên gọi là Leptospira spp với nhiều những triệu chứng bệnh đặc trưng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi. Bệnh này hầu như đã có mặt khắp các nước trên toàn thế giới.
Đây là bệnh rất nguy hiểm đối với vật nuôi, do đó bà con cần phải tìm hiểu kỹ các nguyên nhân, triệu chứng của bệnh để có các phương án phòng bệnh và điều trị bệnh lợn nghệ kịp thời, hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại cho đàn lợn nhà mình. Bà con hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây, chúng tôi đã tổng hợp những kiến thức bổ ích để bà con có cái nhìn tổng quan hơn về bệnh lợn nghệ và một số biện pháp để điều trị bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh lợn nghệ (bệnh khét, Lép-tô, xoắn khuẩn, xoắn trùng) do xoắn khuẩn Lép-tô gây ra. Các loại xoắn khuẩn Lép-tô mẫn cảm với môi trường khô và kém bền vững đối với tác động vật lý và hóa học. Ngược lại trong đất ẩm và trong nước, xoắn khuẩn có khả năng sống đến vài chục ngày. Bệnh lây lan qua đường ăn uống, tiếp xúc trực tiếp hay qua đường sinh dục. Chuột và các loài côn trùng là nhân tố trung gian truyền bệnh, làm cho bệnh lây lan.
Triệu chứng và bệnh tích của bệnh lợn nghệ
- Triệu chứng: Lợn bỏ ăn, kém vận động, sốt nhẹ 40 – 40,5 độ C và sốt ngắt quãng trong từ 3 – 5 ngày, lợn bị ỉa chảy. Sau đó, xuất hiện những triệu chứng điển hình như vàng da, đái ra máu hay huyết sắc tố, nước tiểu vàng và sánh. Lợn sẽ xuất hiện triệu chứng thần kinh quỵ nửa thân sau. Nếu là lợn đực thì bao dương vật sưng to, lợn gầy rộc. Còn nếu là lợn cái chửa sẽ có hiện tượng lợn xảy thai hay thai chết lưu.
- Bệnh tích điển hình là: da vàng, xuất huyết tràn lan, gan, thận, lách sưng to mầu đất thó hay màu vàng, có nhiều điểm hoại tử, thịt màu vàng có mùi khét đặc trưng, tử cung bị viêm chứa nhiều dịch rỉ viêm và có mùi hôi thối khó chịu. Nếu là bào thai vừa bị xảy thường có các điểm xuất huyết trên bề mặt da toàn bộ cơ thể.
Phòng và điều trị bệnh lợn nghệ
Các biện pháp phòng bệnh
- Thực hiện tốt khâu vệ sinh phòng dịch, tích cực tiêu diệt chuột và các loại côn trùng.
- Tiêm vắc xin xoắn trùng vào lúc 4 và 10 tháng tuổi, mỗi đợt tiêm 2 lần, cách nhau 10 ngày.
- Đối với lợn đực giống, tiêm phòng 2 đợt/năm, vào tháng 4 và tháng 10.
- Lưu ý diệt chuột, vì đây là vật mang mầm bệnh chính. Bảo đảm chế độ chăm sóc nuôi dưỡng để lợn không mắc bệnh.
- Khi lợn ốm chết, phải đào hố, rắc vôi bột và chôn kỹ. Không được mổ thịt ăn vì bệnh dễ lây sang người.
Điều trị bệnh lợn nghệ
Dùng các loại kháng sinh nhóm Penicilin, Streptomycin, các chế phẩm chứa Tylosin hay Tiamulin. Với liều theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc, tiêm cho lợn ngày 2 lần trong vòng 5 – 7 ngày. Có thể dùng chế phẩm Leptocin 1ml/8-10 kg lợn, điều trị cho kết quả cao. Tuy vậy, nếu dùng thuốc không hợp lý có thể sẽ xuất hiện nhiều chủng xoắn khuẩn nhờn thuốc. Trong một số trường hợp, lợn bị bội nhiễm các bệnh khác nên dùng kháng sinh sẽ kém hiệu lực. Do vậy bà con phải kết hợp các loại kháng sinh đặc hiệu mới dập tắt được ổ dịch.
Lưu ý: Để điều trị bệnh có kết quả, cần phải kết hợp điều trị nguyên nhân cùng với việc trợ sức, trợ lực và giải độc. Bằng cách tiêm các loại thuốc bổ như Vitamin B1, B.Complex, Vitamin B12,… Truyền dung dịch Glucoza qua tĩnh mạch tai hay tiếp vào xoang bụng cho lợn.