Bệnh Anthrax hay còn gọi là bệnh nhiệt thán xảy ra cấp tính hoặc quá cấp tính trên trâu bò. Đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây sốt cao ở hầu hết các loài động vật máu nóng. Căn bệnh này có đặc điểm là nhiễm trùng máu, bại huyết gây ra cái chết cho con vật rất nhanh. Hiện nay, bệnh nhiệt thán có thể lây lan sang nhiều loài vật nuôi khác nhau, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.
Các ổ dịch bệnh nhiệt thán thường xảy ra ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở những khu vực này, mầm bệnh tồn tại trong đất và là nguồn lây bệnh chính. Tại nước ta, bệnh tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc vào mùa mưa do có độ ẩm cao và làm chết rất nhiều gia súc. Nếu muốn biết về đặc điểm, biểu hiện và cách phòng trị bệnh nguy hiểm này, bà con hãy cũng theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Nguyên nhân gây bệnh nhiệt thán
Bệnh nhiệt thán do trực khuẩn Gram dương Bacillus Anthracis gây ra. Vi khuẩn xâm nhập chủ yếu qua đường tiêu hoá. Bệnh có thể phát sinh quanh năm, nhưng thường phát sinh vào các tháng nóng ẩm, mưa nhiều (tháng 7, 8, 9). Vi khuẩn có khả năng sinh bào tử, khi gia súc mắc bệnh bị chết thì vi khuẩn này sẽ mau chóng bị tiêu diệt. Thông qua sự thối rữa ở gia súc không được mổ xác. Tuy nhiên vi khuẩn sẽ sinh bào tử khi xác gia súc chết bị bệnh được mổ và các chất có vi khuẩn tiếp xúc với không khí. Bào tử sinh ra có sức đề kháng rất cao đối với môi trường ngoại cảnh và một số chất sát trùng. Đặc biệt chúng có thể tồn tại trong đất nhiều năm.
Đường lây truyền
Vi khuẩn hoặc nha bào có thể xâm nhập vào cơ thể động vật qua các đường sau:
- Đường tiêu hóa: vi khuẩn hoặc nha bào theo thức ăn, nước uống vào cơ thể mà gây bệnh. Đây là đường truyền bệnh chủ yếu. Sau khi vào ruột, nha bào sẽ nở thành vi khuẩn.
- Đường da: vi khuẩn hoặc nha bào có thể xâm nhập qua vết xây xát ở da. Bệnh lây kiểu này rất phổ biến ở những người tham gia mổ thịt trâu, bò mắc bệnh nhiệt thán.
- Đường hô hấp: gia súc có thể hít phải nha bào, vi khuẩn có trong bụi rậm phát tán trong không khí.
Bệnh lây truyền từ vùng có dịch nhiệt thán sang vùng khác chủ yếu do người đưa gia súc mắc bệnh hoặc phát tán các sản phẩm gia súc có mầm bệnh. Bệnh hay xảy ra ở các xã miền núi phía Bắc. Là nơi có bệnh nhiệt thán phát sinh từ nhiều năm trước, do nha bào vẫn tồn tại trong đất.
Triệu chứng của bệnh
- Thể quá cấp tính: Trâu, bò đột nhiên sốt cao (41 – 42 độ C). Đi run rẩy, thở gấp, bỏ ăn, hai má sưng, vã mồ hôi. Các niêm mạc đỏ tím, đầu gục xuống, lưới thè ra, mắt đỏ ngầu. Sau đó con vật mất thăng bằng, quay cuồng lảo đảo, đứng không vững. Cuối cùng vật ngã quỵ, chết, ở miệng, hậu môn, âm hộ thường có máu tím hay đỏ sẫm chảy ra và máu không đông. Một số con biểu hiện triệu chứng thần kinh như nhảy xuống ao; húc đầu vào tường, đâm vào bụi rậm hoặc kêu rống lên. Tỷ lệ chết ở trâu bò lên tới 100%.
- Thể cấp tính: Trâu, bò ủ rũ, lông dựng, mắt lờ đờ, sốt cao, bỏ ăn, mắt đỏ sẫm pha lẫn vết đen tím. Con vật sẽ đi ra phân có lẫn máu, tiểu ra máu. Các lỗ tự nhiên như mũi, hậu môn, âm hộ thường có máu đỏ sẫm hoặc tím, hầu ngực, bụng sưng nóng và đau đớn. Tỷ lệ chết khoảng 80%.
- Bệnh tích: Sau khi chết bụng chướng to, lọi dom, lè lưỡi. Các lỗ tự nhiên như mồm, mũi, hậu môn, âm hộ chảy dịch nhầy lẫn máu tím sẫm khó đông hoặc không đông. Hạch hầu, hạch trước vai, hạch đùi sưng to tụ máu, dưới da có nhiều dịch vàng; thịt tím tái thẫm máu, lách sưng to, tím sẫm và nát nhũn như bùn, máu đen không đông.
Những biện pháp phòng và điều trị bệnh
Cách phòng bệnh nhiệt thán
- Khi chưa có dịch, tiến hành tiêm vác xin phòng bệnh nhiệt thán, mỗi năm 2 lần.
- Không mổ thịt trâu, bò, ngựa ở trong địa phương có dịch và các địa phương xung quanh.
- Súc vật chết phải chôn sâu trên 2m giữa 2 lớp vôi bột. Nơi chôn phải cách xa bản, xóm (khu dân cư), nguồn nước. Mả nhiệt thán phải xây và rào kỹ và có biển báo. Không được chăn thả gia súc gần khu vực chôn gia súc chết vì nhiệt thán.
- Tiến hành tẩy uế toàn bộ chuồng trại, phân, rác, nước tiểu bằng vôi bột hay phun thuốc sát trùng formon.
Điều trị bệnh nhiệt thán
- Dùng kháng huyết thanh chống bệnh nhiệt thán 100-200ml tiêm dưới da cho gia súc lớn, 50-100ml cho gia súc nhỏ.
- Dùng penicillin 2 triệu đơn vị cho 100kg thể trọng tiêm bắp, ngày 2 lần, tiêm 5 ngày liền. Khi cần, có thể tiêm penicillin với liều gấp đôi liều này.