Mỗi dịp Tết đến xuân về thì để tăng không khí cũng như tạo điểm nhấn, tại nhiều gia đình sẽ sử dụng các loại hoa để trưng trong nhà. Nếu người dân miền Bắc có hoa đào, thì người Nam Bộ lại có hoa mai. Với quan niệm của dân gian thì chính màu vàng của hoa mai tượng trưng cho sắc xuân, những điều may mắn, tài lộc,.. Vậy nên hoa mai cũng dần thành nét riêng của Tết Nguyên Đán các tỉnh khu vực Nam Bộ nước ta. Từ đó việc trồng hoa mai bán dịp Tết cũng thành nghề mà nhiều người nông dân quyết định đầu tư kinh doanh.
Việc trồng hoa mai sao cho đẹp thật sự không hề dễ dàng vì đòi hỏi người trồng cần nắm vững kỹ thuật chăm. Cùng chúng tôi tìm hiểu một số thông tin cơ bản nhất về trồng mai thông qua bài viết thuộc chuyên mục phương pháp trồng cây ngay dưới đây.
Các bước trồng hoa mai
Thời gian thích hợp để trồng mai
Cây mai là loại cây ưa nắng và ưa ẩm, thích hợp ở nhiệt độ từ 25 – 30 độ C. Khoảng thời gian tốt nhất để bạn trồng mai là từ cuối tháng 10 âm lịch đến tháng 12 âm lịch.
Nên chọn lựa giống hoa mai như thế nào?
Có hai loại giống là mai vàng nở hoa 1 lần/năm vào dịp Tết và mai tứ quý nở hoa 4 lần/năm. Trước đây, hoa mai chỉ có khoảng 5 – 10 cánh hoa. Nhưng hiện nay với các phương pháp lai tạo đã tạo ra hoa có trên 10 cánh và có thể nở hoa kín cây. Đặc biệt hơn, còn có giống mai ra hoa màu trắng cánh mỏng rất thanh thoát và nhẹ nhàng.

Các phương pháp trồng mai thông dụng
Bạn có thể trồng mai bằng cách gieo hạt hoặc chiết cành, giâm cành, ghép cành. Nếu trồng mai bằng hạt sẽ ít tốn chi phí và cây sống được lâu hơn. Nhưng tuy nhiên lại khó mang những ưu điểm trội của cây mẹ. Còn đối với phương pháp chiết cành, giâm cành hay ghép cành thì cây có thể giữ được các đặc điểm tốt từ cây mẹ. Và cũng có thể ghép phối các loại mai khác trên cùng một cây.
Những điều cần nắm về chọn đất trồng cho hoa mai
Khi trồng hoa mai chỉ cần đất tơi xốp và giữ được độ ẩm thì cây sẽ phát triển tốt. Cây mai kỵ nhất những vùng đất không thoát nước và dễ bị ngập úng. Do đó, nên trồng mai ở những nơi có ánh nắng trực tiếp, thông thoáng. Mỗi cây nên trồng cách nhau ít nhất 1m. Có hai cách để trồng hoa mai đó là:
- Trồng trên nền đất: Bạn nên chọn những nơi đất thịt nhẹ có nhiều chất hữu cơ, không chua, không nhiễm phèn và không mặn. Trong quá trình trồng có thể trộn thêm tro trấu hoặc xơ dừa vào đất. Điều này để tăng khả năng giữ ẩm và nước tốt. Sau khi đào hố và bón lót xong, hãy lấp một lượng đất ⅔ hố rồi đặt cây mai vào. Tiếp tục, lấp đất đến khi vun cao lên. Ngoài ra, lúc mới trồng bạn có thể dùng rơm khô phủ gốc cây để tăng khả năng giữ ẩm
- Trồng mai trong chậu: Bạn cũng chọn đất trồng tương tự như trên. Hãy lấy một chiếc chậu có chiều sâu để cho rễ cây phát triển tốt hơn. Trước khi trồng, bạn lót một lớp sỏi dưới đáy để tạo sự thông thoáng và thoát nước cho cây. Sau đó, hãy bón lót và lấp một lớp đất đến ½ chậu rồi để cây mai vào. Để đầu rễ của cây phải cách đáy 20cm. Cuối cùng, lấp đất đến khi đầy chậu và kê chậu hoa lên. Tránh tiếp xúc trực tiếp với đất nền để hạn chế côn trùng gây hại. Bạn cần lưu ý một điều, cứ khoảng 2 năm thì nên thay chậu to hơn 1 lần để cây có không gian phát triển tốt hơn
Kỹ thuật chăm sóc cây mai trong chậu

Thời gian bón phân cho cây
Sau khi cây đã bón lót phân trong quá trình trồng, khoảng 10 – 15 ngày sẽ bắt đầu ra rễ thì bạn mới bón thúc phân. Cứ 20 – 30 ngày là có thể bón thúc phân lần nữa. Nếu cây to thì tăng lượng phân bón và thời gian mỗi lần bón phân cách xa nhau hơn. Đồng thời, bạn không nên xới xáo đất, bón phân sát gốc mà phải rải phân xung quanh và tưới đẫm nước.
Những lưu ý khi tưới nước
Đối với trồng trên nền đất, khi chăm sóc cây mai vào ngày nắng thì nên tưới cây vào buổi sáng 1 lần/ngày hoặc tưới ngày cách ngày. Vào mùa mưa thì không cần tưới nhưng phải chú ý giữ cho đất thoát nước tốt. Còn với những cây mai trồng trong chậu thì nên tưới 2 lần/ ngày vào buổi sáng và buổi chiều.
Tạo dáng, cắt tỉa cây mai như thế nào?
Khoảng 2 tháng thì nên cắt tỉa cành 1 lần. Điều này giúp để bỏ đi những cành yếu, cành bị sâu bệnh hay những cành mọc dày đặc trong tán. Đặc biệt, hoa mai có ý nghĩa phong thủy, nên việc tỉa cành không đơn giản là hạn chế sâu bệnh mà còn có thể ảnh hưởng đến phong thủy nhà bạn. Thông thường cây mai còn nhỏ sẽ dễ tạo dáng hơn. Việc này đòi hỏi bạn phải có sự thẩm mỹ cao và sự sáng tạo của một người nghệ nhân.
Lặt lá
Từ ngày 10 tháng 12 âm lịch, bạn cần quan sát nụ hoa trên cây và kết hợp với thời tiết để tính ngày lặt lá. Nếu nửa tháng cuối năm trời ấm áp hoa mai chắc chắn nở sớm. Vì vậy bạn nên lặt lá muộn. Với thời tiết nửa tháng cuối năm mưa to hay chuyển lạnh hoa sẽ nở trễ thì người trồng cần lặt lá sớm hơn.

Loại bỏ sâu bệnh cho hoa mai
Đây là việc làm không thể thiếu khi chăm sóc cây mai. Trên cây thường có rất ít các loại sâu gây hại. Chủ yếu là các loại sâu cắn lá, sâu đục thân và nhện đỏ. Nếu phát hiện chúng, cách đơn giản nhất là bạn có thể dùng tay để bắt . Ngoài ra, còn có loại côn trùng gây hại khác là rệp mềm xuất hiện ở các đọt non. Đối với loại côn trùng này, thì chỉ cần dùng vòi xịt nước có cường độ mạnh xịt lên cây sẽ dễ dàng đánh bật chúng.
Cách xử lý trường hợp hoa mai nở trước Tết
Thời tiết hay khí hậu là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phân hóa mầm hoa và ra hoa của cây. Chỉ một sự thay đổi nhỏ cũng có thể khiến cây ra hoa sớm hoặc muộn. Để cây ra hoa đúng lúc mà mình mong muốn thì phải áp dụng đồng bộ các biện pháp chăm sóc cho phù hợp. Đó là bón phân – xiết nước – tuốt lá (lặt bỏ lá mai).
Từ đầu tháng 10 AL thì bắt đầu xiết phân và xiết nước lại cho đến cuối tháng 11 AL. Bắt đầu từ ngày 10 tháng 12 AL thì quan sát cây cũng như xem xét thời tiết như thế nào rồi tính toán thời gian để tuốt lá mai. Trong điều kiện tự nhiên cây mai sẽ rụng lá vào cuối mùa đông, khi bắt đầu lập xuân. Sau khi lá rụng thì các mầm hoa sẽ bắt đầu bung lớp vỏ trấu. Nụ xanh sẽ nở rộ từ 6 – 7 ngày sau khi bung vỏ trấu. Vậy nên cần quan sát đặc điểm của mầm hoa, xem dự báo thời tiết để tính toán thời gian tuốt lá sao cho hợp lý. Để mầm hoa bung vỏ trấu vào khoảng ngày 22, 23 tháng 12 AL là đẹp nhất.