Lựa chọn mô hình chăn nuôi gà ta đã và đang là hình thức kinh doanh được nhiều hộ chăn nuôi lựa chọn. Bởi mô hình này mang lại lợi nhuận cao, phương pháp chăn nuôi dễ dàng và vốn đầu tư cũng không quá nhiều. Thế nhưng hiện nay nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa thu được lợi nhuận cao do gặp phải một số vấn đề trong phương pháp chăn nuôi như: Thức ăn, kiểm soát bệnh tật,…Vậy làm cách nào để chăn nuôi gà ta được hiệu quả nhất?
Trong các giống gà ở Việt Nam thì gà ta vẫn là giống gà được chăn nuôi phổ biến. Bởi giống gà này cho chất lượng thịt ngon, giá cả cũng không quá cao được nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, để nuôi gà ta thu được lợi nhuận cao thì bà con cần phải nắm rõ phương pháp chăn nuôi gà ta, để giúp đàn gà được khỏe mạnh, mang lại hiệu quả tốt nhất.
Tại sao nên nuôi gà ta?
- Gà ta có sức đề kháng cao rất dễ nuôi, bạn có thể thả vườn hoặc làm quy mô trang trại, sử dụng cám công nghiệp hoặc có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn của gia đình như ngô, thóc, rau, cỏ, giun,…Giúp tiết kiệm tối đa chi phí ban đầu.
- Phương pháp nuôi gà ta thả vườn vừa tiết kiệm kinh phí lại tạo khả năng kháng bệnh cao cho gà, thịt săn chắc cho giá bán cao trên thị trường.
- Phân gà có thể tận dụng làm phân bón cho cây trồng hoặc đem bán tăng thêm thu nhập.
- Gà cho tỷ lệ nuôi sống tới 98 – 99% tròng vòng 3 tháng. Tiêu tốn thức ăn 2,7 – 2,9kg/1 kg tăng trọng. Trọng lượng gà đạt được ở 90 ngày tuổi trung bình từ 1,5 – 1,8kg/1 con.
Chính vì có nhiều ưu điểm hơn so với các loại gà chăn công nghiệp nên chăn nuôi gà ta đang được nhiều người nông dân lựa chọn.
Điều kiện nuôi gà ta
Trước khi đem gà ta về nuôi cần chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện vật chất kỹ thuật như:
- Chuồng nuôi, rèm che, cót quây, chụp sưởi ấm, máng ăn, máng uống. Tất cả phải được khử trùng trước khi sử dụng từ 5-7 ngày.
- Chuẩn bị đầy đủ thức ăn, thuốc thú y cần thiết cho đàn gà.
- Chuồng nuôi đảm bảo thoáng mát mùa hè, kín ấm vào mùa đông.
- Nền chuồng thiết kế đúng kỹ thuật, cao ráo, thoát nước.
- Chất độn chuồng: Trấu, dăm bào sạch, dày 5cm -10 cm được phun sát trùng khi sử dụng.
- Đảm bảo lưu thông không khí trong chuồng nuôi.
Thiết kế bãi chăn thả gà hợp lý
Thông thường, tỉ lệ vàng trong chăn nuôi gà ta thả vườn là 1:2. Có nghĩa là cứ 1m2 đất nuôi sẽ nuôi được 2 con gà là mật độ hợp lý. Đối với những hộ chăn nuôi có diện tích đất nuôi rộng có thể lấy tỉ lệ 1:1 để giúp gà ta có thể tìm kiếm thức ăn và vận động thoải mái.
Ở những bãi chăn thả này, cần có bóng mát để tạo bóng râm cho gà khi thời tiết vào mùa nắng nóng. Bãi chăn thả cũng cần san lấp cho bằng phẳng để không tạo nên những vũng nước đọng, dễ phát sinh và lây lan mầm bệnh. Người chăn nuôi nên có kế hoạch vệ sinh bãi chăn thả định kỳ, để tạo môi trường thông thoáng và sạch sẽ cho gà thả vườn. Đặc biệt lưu ý, các hộ chăn nuôi nên rào lại bằng lưới mắt cáo hoặc lưới thép B40 xung quanh bãi chăn thả, đảm bảo chắc chắn, tránh thú hoang xâm nhập hoặc gà đi lạc.
Chọn giống gà ta như thế nào?
Gà ta là loại gà cho thịt thơm ngon, có sức đề kháng cao, dễ nuôi thích nghi được với mọi khu vực khí hậu khác nhau. Khi chọn gà nên chọn những con chân vàng, da vàng, có màu lông bóng mượt, mắt sáng, nhanh nhẹn khỏe mạnh, chân to, không hở rốn. Gà ta khi trưởng thành cho trọng lượng đạt từ 1,5 – 1,8kg phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Phương pháp chăn nuôi gà ta hiệu quả
Cách úm gà nở
Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ bằng thuốc sát trùng phoóc môn hoặc Crezin. Dùng cót tre mỏng cao 45cm quây tròn có đường kính tùy thuộc vào số lượng gà. Sử dụng trấu hoặc bào cưa, rơm rạ cắt ngắn 5cm rải dày 10 -15cm. Sưởi ấm bằng bóng đèn 75 -100w treo ở giữa quây cót cách mặt nền 50cm để đảm bảo nhiệt độ ấm cho gà. Ngoài nguồn điện bạn có thể dùng bếp than, bếp trấu, bếp củi nhưng cần làm hệ thống cho khí CO2 ra ngoài.
Về mật độ tuổi
- Mùa thu đông: 1- 10 ngày tuổi nhốt 40 – 50 con/m2. 11 – 30 ngày tuổi nhốt 20-25 con/m2. 31 – 45 ngày tuổi nhốt 15-20 con/m2. 46 – 60 ngày tuổi nhốt 12 – 15 con/m2. Gà dò 10 – 15 con/m2. Gà sinh sản 4 – 5 con/m2. Mùa hè nóng nực có thể giảm 10% số lượng gà.
- Nhiệt độ sưởi ấm cho gà: Từ 30 – 32 độ C dùng cho gà từ 1 – 3 tuần tuổi; nhiệt độ sẽ được giảm dần theo sức tăng trưởng của gà.
Quan sát sự thay đổi của gà để tăng giảm nhiệt độ cho phù hợp. Nếu thấy ở gần nguồn nhiệt là thiếu nhiệt; tản ra xa nguồn nhiệt nằm bẹp há miệng là do nhiệt độ nóng quá. Gà đi lại nhanh nhẹn, ăn uống bình thường là nhiệt độ đã phù hợp. Điều chỉnh nhiệt độ bằng cách nâng, hạ bóng hoặc giảm cường độ ánh sáng. Thay độn chuồng thường xuyên, tránh hiện tượng ướt chuồng gây nhiễm khuẩn bệnh tật cho đàn gà.
Về thức ăn cho gà
Lượng thức ăn một ngày đêm: 1 – 10 ngày tuổi cho ăn 6 – 10g/1 con; 11 – 30 ngày tuổi cho ăn 15 – 20g, 31 – 60 ngày tuổi cho ăn 30 – 40g. Gà dò 61 – 150 ngày cho ăn 45 – 80g/con. Gà sinh sản: Gà mái 100g/con, gà trống 110g. Số bữa ăn đối với gà con là 6 bữa/ngày đêm, gà dò và gà mái sinh sản 2 – 3 bữa/ngày đêm.
Gà ta thường nuôi thả hoặc bán chăn thả. Nếu vườn thả rộng, dồi dào thức ăn (rau, cỏ, giun, dế, cào cào,…) thì nên bớt lượng thức ăn tinh. Quan sát diều gà buổi chiều trước lúc vào chuồng để biết gà no hay đói; cần cho ăn thêm nhiều hay ít và chú ý phòng bệnh cho gà. Thời gian chiếu sáng cho gà là 24/24h đối với gà từ 1 – 10 ngày tuổi; sau đó giảm dần mỗi tuần 20 – 30 phút. Cường độ ánh sáng thay đổi theo độ tuổi của gà. Mùa đông cần bổ sung ánh sáng để kích thích gà ăn nhiều đẻ sớm, đẻ rộ hơn.
Những lưu ý khi chăn nuôi gà ta
- Không nên nuôi chung gà thịt với giống với gà con cùng 1 nơi như thế; sẽ khó quản lý chăm sóc và ngừa bệnh.
- Gà giống mới mua về cần phải áp dụng những biện pháp tiêm chủng; cho uống thuốc và vệ sinh chuồng trại thường xuyên.
Gà ta cho thịt thơm ngon không những phục vụ vào bữa ăn hàng ngày của con người mà nhu cầu dùng cho đám cưới, dịp lễ, tết rất cao do vậy cần lựa chọn thời điểm thích hợp để nuôi gà bán được giá cao. Hy vọng với những phương pháp kỹ thuật chăn nuôi gà ta đơn giản mà chúng tôi chia sẻ bên trên chắc chắn sẽ giúp gia đình bạn có được nguồn thu nhập cao từ việc chăn nuôi gà ta.