Ngoài mô hình nuôi thủy sản nước ngọt thì mô hình nuôi những loại cá biển cũng đang phát triển rất mạnh. Cá được nuôi và chăm sóc trong lồng bên bờ biển và thu hút đông đảo người nuôi. Do tập tính và môi trường sống nhân tạo khác với tự nhiên nên cá biển nuôi lồng bè dễ mắc bệnh hơn. Tìm hiểu các bệnh thường gặp ở cá biển nuôi lồng sẽ giúp người nuôi tự tin hơn khi bắt đầu nuôi. Vì vốn đầu tư cho cá nuôi lồng bè khá cao nên thiệt hại chắc chắn sẽ khiến người nuôi lao đao. Dưới đây là một số bệnh thường gặp ở cá nuôi lồng bè. Đây là kiến thức rất bổ ích cho những ai bắt đầu nuôi cá hoặc thiếu kinh nghiệm. Phòng bệnh hiệu quả cho cá giúp cá khỏe, tăng năng suất.
Cá biển nuôi lồng bè cho năng suất cao
Nghề nuôi cá biển lồng bè ở nước ta trong những năm gần đây phát triển mạnh ở một số tỉnh ven biển như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hoà, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang… Do diện tích mặt nước biển nước ta còn khá lớn, nghề nuôi cá biển lại cho năng suất, sản lượng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều này sẽ giải quyết được vấn đề nguồn lợi và trữ lượng khai thác cá biển ngày càng giảm sút. Các đối tượng nuôi tập trung nuôi chủ yếu là một số loài có giá trị kinh tế như: cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng, cá chẽm, cá hồng…
Cá biển nuôi lồng bè hay mắc một số bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng. Phòng ngừa bệnh sẽ giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Một số bệnh thường gặp ở cá biển nuôi lồng bè

Cá biển nuôi lồng bè thường mắc một số loại bệnh do nhóm vi khuẩn Vibrio sp gây ra. Hoặc một số loại nguyên sinh, động vật ký sinh trên toàn thân làm tổn thương da, mang. Dấu hiệu nhận biết chung các bệnh phổ biến này là cá bị xuất huyết. Phần da và các phần bị bệnh sưng tấy, lở loét. Những bệnh này thường xuất hiện khi môi trường nuôi bị ô nhiễm, thời tiết thay đổi thất thường, chuyển mùa. Sức đề kháng của cá yếu, cá bị stress cũng góp phần khiến dịch bệnh phát sinh, phát triển.
Ngoài các bệnh thông thường, cá nuôi lồng biển cũng có thể mắc các bệnh nguy hiểm do virus gây ra, như bệnh hoại tử thần kinh, bệnh “cá ngủ” do Iridovirus,…
Cách phòng ngừa bệnh ở cá lồng bè
– Việc phòng bệnh hiệu quả đối với nuôi cá lồng bè cần thực hiện ngay từ khi chọn vị trí neo đặt lồng bè, tránh đặt nơi vùng nước bị ô nhiễm. Chọn cá giống khỏe mạnh, không xây xát, dị hình, bệnh tật, không thả mật độ quá dày.
– Nuôi cá lồng bè thường sử dụng thức ăn tươi là cá vụn, cá tạp. Đây cũng là nguồn lây bệnh trực tiếp cho cá và sẽ làm ô nhiễm nguồn nước nếu thức ăn thừa. Cần quản lý thức ăn thật tốt, đặc biệt không sử dụng thức ăn đã ươn, thối.
– Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường, vệ sinh lồng bè. Thường xuyên lưu thông dòng chảy, đảm bảo lượng oxy hòa tan. Khi môi trường thay đổi, nước biển phát sáng, nhớt hoặc có váng. Khi đó cần có biện pháp phòng ngừa bệnh ngay.
– Sử dụng thuốc và hóa chất để phòng ngừa bệnh cũng là phương pháp hiệu quả: Đối với bệnh do ký sinh trùng, xử lý bệnh bằng cách dùng formol liều lượng 200 ml/m3 tắm cho cá 30 – 60 phút, sục khí mạnh đồng thời phun lên lưới lồng để vệ sinh lưới.
Cách điều trị bệnh ở cá nuôi lồng bè
– Những bệnh do vi khuẩn có thể trị bằng cách dùng Oxytetracyline 2 – 3g trộn vào 1kg thức ăn. Cho ăn liên tục 5 – 7 ngày hoặc nhốt cá bệnh riêng và bôi thuốc trực tiếp lên vết thương.

– Với bệnh lở loét và tróc vảy, có thể dùng kháng sinh kết hợp tắm bằng Rifamycin (30 – 50ppm). Và cho trộn vào thức ăn Erythromycin (100 mg/kg cá/ngày), dùng 5 ngày liền.
– Khi cá bị xuất huyết đường ruột, có thể dùng thức ăn bổ sung 25 – 30mg Erythromycin/kg cá/ngày. Và tiêm Streptomycin/kg cá/ngày, dùng 5 ngày liên tiếp.
– Trị bệnh mù mắt cho cá song bằng cách dùng kháng sinh kết hợp cho ăn Streptomycin với lượng 25 – 30 mg/kg cá/ngày và tiêm Streptomycin với liều 0,2 mg/kg cá/ngày.
– Ở bệnh mòn đuôi và hoại tử, dùng kết hợp kháng sinh Oxolinic acid. Trộn thức ăn với liều lượng 20 mg/kg cá, trộn để cho cá ăn. Và tắm kháng sinh Acriflavin 100 g/m3 nước trong 1 – 2 phút, 5 ngày liền.
Treo túi thuốc tím hoặc TTCA đầu dòng chảy định kỳ cũng là phương pháp tốt để hạn chế bệnh cho cá nuôi. Vớt cá chết ra khỏi lồng bè và xử lý cẩn thận. Không vứt cá chết ra khu vực nuôi. Tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn cho cá. Điều này giúp cá khỏe và tăng sức đề kháng môi trường và bệnh tật.