Cá lóc đầu nhím được nhiều người nuôi ưa chuộng vì thịt thơm ngon, giá cả phải chăng, cá ít bệnh tật và dị tật. Với sự đầu tư đồng bộ và sự hỗ trợ của địa phương, doanh nghiệp sẽ phát huy hiệu quả tiềm năng của loài cá này. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, cá lóc đầu nhím được nuôi phổ biến và mang lại thu nhập khá cho người nuôi. Với những lợi ích vượt trội như dễ nuôi, năng suất cao, thịt thơm ngon và có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, cá lóc đầu nhìm cũng đã đưa nhiều hộ nông dân thoát nghèo.
Hiện nay, mô hình nuôi thủy sản nước ngọt được đánh giá là phù hợp khả năng đầu tư của nhiều hộ nông dân hơn so với mô hình nuôi tôm nước lợ đòi hỏi trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm và vốn sản xuất cao, điển hình là mô hình nuôi cá lóc đầu nhím thương phẩm. Với tốc độ phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của cá lóc đầu nhím, chúng tôi xin chia sẻ phương pháp nuôi cá lóc đầu nhím thương phẩm qua bài viết sau.
Chuẩn bị và cải tạo lại ao
Đây là khâu cần thiết trước mỗi vụ nuôi. Cải tạo ao giúp xử lý lượng chất thải tích tụ nền đáy. Đồng thời, gia cố lại bờ ao tránh tình trạng rò rỉ, mất nước trong quá trình nuôi. Sau đó, tiến hành bón vôi 100 – 150 kg/1.000 m2, phơi ao trong 2 – 3 ngày. Điều này giúp loại bỏ hết các chất thải ở nền đáy ao và dễ gây màu. Ổn định chất lượng nước hơn trong quá trình nuôi.
Diện tích ao nuôi cá thích hợp 4.000 – 6.000 m2. Ao quá lớn khó quản lý, chăm sóc trong quá trình nuôi. Ao nuôi cá lóc cần đảm bảo độ sâu 2,5 – 3 m. Do cá lóc đầu nhím có đặc tính sống đáy. Nước sau khi được bơm vào ao nuôi thông qua túi lọc cần xử lý cẩn thận theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn. Khuyến cáo người nuôi cần gây màu nước cho ao nuôi bằng chế phẩm sinh học, phân vi sinh… . Đồng thời kết hợp sử dụng bột cá, bột đầu nành (tỷ lệ 1:1) liều lượng 2 – 3 kg/1.000 m2. Sử dụng liên tục, sau 3 – 5 ngày khi nước ao có màu xanh đọt chuối hoặc vàng nhạt là có thể thả cá giống.
Lựa chọn giống tốt và thả giống
Đây là khâu quan trọng, quyết định thành công cho vụ nuôi. Do vậy, cần chọn cá giống có kích cỡ đồng đều. Khối lượng thân 15 – 20 g/con, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, màu sắc sáng. Cơ thể cân đối, nhiều nhớt. Cá lóc đầu nhím giống chủ yếu có nguồn gốc từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Do vậy, trong quá trình vận chuyển nên thật cẩn thận. Tránh làm xây sát ảnh hưởng đến sức khỏe cá giống. Khuyến cáo người nuôi thả với mật độ 25 – 40 con/m2. Trước khi thả cần tắm nước muối nồng độ 2,5 – 3%. Mục đích để diệt ký sinh trùng gây bệnh trong quá trình nuôi. Nên thả cá giống vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát.
Quy trình chăm sóc và quản lý
Việc cho ăn cần đảm bảo cả về chất và lượng sẽ giúp rút ngắn thời gian nuôi. Đồng thời tăng năng suất, chất lượng cá thương phẩm khi thu hoạch. Thức ăn ưa thích của cá lóc đầu nhím là thức ăn tươi sống (cá, tép, cá biển…). Tuy nhiên để tăng hiệu quả kinh tế thì người nuôi nên tập cho cá ăn thức ăn viên công nghiệp. Trong thời gian 2 tháng đầu, nên cho cá ăn cả 2 loại xen kẽ nhau. Với khẩu phần ăn 10 – 12%. Từ tháng thứ 3 đến khi thu hoạch cho ăn thức ăn viên công nghiệp có hàm lượng đạm 28 – 32%. Dạng nổi với khẩu phần 5 – 7% trọng lượng thân.
Thường xuyên kiểm tra khả năng tiêu tốn thức ăn của cá để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Theo dõi sức khỏe cá nuôi nhằm phát hiện các dấu hiệu bất thường như bỏ ăn; bơi lội không bình thường, nhiễm bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Cùng đó, chú trọng kiểm tra các yếu tố môi trường và duy trì trong ngưỡng thích hợp cho cá sinh trưởng và phát triển như: độ mặn 3 – 5‰, pH 6,5 – 8, nhiệt độ 26 – 320C, ôxy hòa tan > 4 ppm. Trong quá trình nuôi, khuyến cáo nên sử dụng trộn men tiêu hóa, vitamin, dưỡng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá, cải thiện tỷ lệ sống khi thu hoạch.
Triển vọng mới
Cá lóc là một trong những loài cá đặc trưng ở nước ta, đang được nuôi nhiều ở ĐBSCL. Thịt ngon, ngọt, cá lóc được dùng trong bữa ăn thường ngày của các gia đình hay chế biến tạo hàng giá trị gia tăng… Trước nhu cầu thị trường, việc chủ động tạo nguồn cá giống nhân tạo; khâu ương giống, phòng trị một số bệnh và sản lượng cá không ngừng tăng. Ngoài một số giống lóc phổ biến như lóc đen, lóc đầu nhím được người nuôi ưa chuộng bởi ít bị bệnh và dị tật.
Theo tính toán của nhiều hộ, mức giá 42.000 – 45.000 đồng/kg, sau 4,5 – 5 tháng thả nuôi, trừ chi phí, người nuôi thu lãi 40 – 45 triệu đồng/1.000 m2. Hiệu quả đem lại không chỉ ở việc chọn con giống mà còn ở sự liên kết lại của các hộ và nuôi theo đợt, tránh tình trạng dồn hàng, bị ép giá. Các hộ tự nguyện liên kết nhau từ khâu mua thiết bị, mua giống, cá mồi cho đến bán cá thịt, đồng thời trao đổi về kỹ thuật để nuôi cá hiệu quả.