Bệnh đậu dê cách phòng và chữa trị hiệu quả dành cho bà con nông dân. Hiện nay việc chọn dê là loại gia súc nuôi để phát triển kinh tế khá phổ biến. Vì đây là một loài vật khá dễ nuôi, sức đề kháng tốt và là loại thịt khá được yêu thích. Tuy nhiên có một loại bệnh khá nguy hiểm mà dê hay mắc phải đó chính là bệnh đậu dê với tỷ lệ chết lên tới 40%. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm và gây ra thiệt hại kinh tế khổng lồ với người chăn nuôi.
Căn bệnh này do một loại vi rút tên là Capripoxvirus gây ra trên dê và cừu. Loại vi rút này có sức sống khá mạnh và có thể tồn tại nhiều tháng trong môi trường nhiệt độ bình thương. Nó còn có có sức đề kháng cao với các loại thuốc và dung dịch vệ sinh thông thường.
Nguyên nhân gây bệnh đậu dê
Bệnh đậu dê là một bệnh truyền nhiễm chung cho cả dê và cừu, bệnh lây lan nhanh với các mụn đậu xuất hiện ở nhiều chỗ trên da mặt và niêm mạc miệng, mũi… Bệnh do virus Capripoxvirus gây ra. Virus bệnh đậu dê có thể tồn tại nhiều tháng trong môi trường và có sức đề kháng cao với các loại hóa chất thông thường. Bệnh thường phát sinh vào mùa xuân, mùa hè khi thời tiết nóng ẩm, thời gian ủ bệnh ở dê, cừu là 5 – 7 ngày.
Biểu hiện khi mắc bệnh đậu dê
Dê mắc bệnh có biểu hiện sốt cao 40 – 41°C, kéo dài 3 – 5 ngày, chảy nước mắt và dịch mũi, kém ăn, nằm một chỗ, trên da mặt, quanh miệng xuất hiện các mụn nhỏ như hạt đỗ, hạt ngô, lúc đầu nhỏ, sau mọng trắng vỡ loét ra, chảy dịch, đóng vảy nâu đen, vảy bong ra để lại vết sẹo đỏ.
Cách phòng và chữa trị hiệu quả
Khi bệnh xảy ra, cần cách ly triệt để đàn dê mắc bệnh. Hiện, không có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh đậu dê. Khi dê bị bệnh, có thể bôi các dụng dịch sát trùng lên các mụn đậu. Thường dùng dung dịch xanh methylen hoặc dung dịch Iodine 1% bôi lên vết mụn loét. Các dung dịch này diệt được virus và vi khuẩn ở mụn đậu. Nó làm cho mụn đậu đóng vảy nhanh, bong ra và liền sẹo nhanh.
Khi có hiện tượng viêm nhiễm kế phát ở mũi, miệng và viêm khí quản. Thì điều trị bằng kháng sinh như AmpiKana hoặc Gentamicin – Doxycyclin, Lincospecto, liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Kết hợp với sử dụng các loại thuốc trợ sức, trợ lực như Vitamin B1, Vitamin C và Cafein. Trong thời gian điều trị giữ chuồng khô, sạch sẽ. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng để dê nhanh bình phục. Quá trình nuôi, cần thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh cho dê. Giữ chuồng luôn khô sạch, ấm về mùa đông và thoáng mát vào mùa hè. Cần phát hiện sớm dê bệnh để cách ly, xử lý và khẩn trương báo cáo lên cơ quan thú y cấp trên.
Phòng bệnh bằng vắc- xin
Việc phòng bệnh bằng vắc-xin có vai trò rất quan trọng trong chăn nuôi gia súc; gia cầm nói chung và chăn nuôi dê nói riêng. Người chăn nuôi cần thực hiện tiêm phòng nghiêm ngặt một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn dê. Phòng bệnh đậu bạn nên chích vắc – xin.
– Vắc- xin đậu dê: Vắc- xin vô hoạt dạng lỏng, màu hồng nhạt, có chất bổ trợ là keo phèn.
– Đường dùng thuốc: Vắc- xin dùng để tiêm phòng cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên theo đường tiêm dưới da hoặc tiêm bắp.
– Liều lượng sử dụng: 1 ml/con, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp, tiêm 2 lần/năm.
– Những chú ý khi sử dụng: Chỉ tiêm cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên; Sát trùng bơm, kim tiêm thật kĩ trước khi tiêm; Lắc đều lọ vắc- xin trước khi sử dụng; Không tiêm vắc- xin trong vòng 21 ngày trước khi giết mổ dê.