Hoa hồng có đến 200 loài khác nhau, hoa hồng đã trở thành giống cây trồng cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, chắc chắn trồng hoa và đặc biệt là hoa hồng sẽ ngày càng được phổ biến. Là loại cây ưa sáng, hoa hồng thích hợp trong điều kiện thoáng gió và có nhiều ánh nắng. Nắm bắt kỹ các phương pháp trồng và chăm sóc hoa hồng sẽ cho năng suất cao. Tuy nhiên, giống như bao loại cây trồng khác, trong quá trình sinh trưởng và phát triển, hoa hồng chắc chắn sẽ bị một số bệnh do vi sinh khuẩn có hại gây ra làm ảnh hưởng đến cây và đồng thời ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng.
Trong bài viết hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số loại sâu bệnh thường gặp trên hoa hồng cũng như cách phòng trừ hiệu quả.
Rệp (Macrosiphum rosae)
- Rệp có 4 cặp chân dài màu vàng nhạt, chiều dài của nhện cái là 0.2mm. Con đực nhỏ hơn. Mình hình bầu dục; hơi nhọn lại ở đuôi; hai đốt cuối màu đỏ chói. Rệp phá hại trên thân, lá, ngọn non cây hồng. Rệp trưởng thành dài 3-4mm, nhìn chung có màu xanh nhạt, có khi màu đỏ vàng xám.
- Biện pháp phòng trừ: Kết hợp với các đợt cắt tỉa, cắt bỏ cành và lá bị rệp hại để tiêu huỷ. Ngoài ra có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất: Abamectin, Emamectin-Benzoate, Cypermethrin
Bọ trĩ (Frankliniella sp.)
- Bọ trĩ trưởng thành rất nhỏ, dài dưới 1mm, màu vàng nhạt, đuôi nhọn, cánh dài và mảnh, xung quanh cánh có nhiều lông tơ. Bọ non không cánh, hình dạng giống trưởng thành, màu xanh vàng nhạt.
- Biện pháp phòng trừ: Khi thấy có triệu chứng trên lá non, phun thuốc liên tiếp 3 ngày. Sau đó phun phòng ngừa 2-3 tuần 1 lần.
- Sử dụng thuốc: Emamectin benzoate(Susupes 1.9 EC); Imidacloprid + Pyridaben (Hapmisu 20EC); Spinetoram (Radiant 60 EC) với nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.
Nhện đỏ
Bệnh nhện đỏ hoa hồng là một trong các loại bệnh khá phổ biến. Bệnh do một loại rệp trích hút nhựa của các lá cây. Nhện đỏ hại hoa hồng có tên khoa học là Tetranychus sp, thuộc họ Tetranychidae và bộ Acarina. Con nhện đỏ có kích thước rất nhỏ với màu đỏ hoặc là màu hồng. Để nhìn thấy chúng, bạn có thể sử dụng kính lúp. Nhện đỏ rất nhỏ, nhện non màu vàng cam. Trưởng thành, con cái mình tròn màu đỏ tươi ở phần bụng và đỏ sẫm ở phần hông. Hai bên lưng có nhiều đốm đen chạy dài từ ngực xuống cuối bụng.
Biện pháp phòng trừ: Dùng các loại thuốc như: Azadirachtin( Agiaza 4.5EC). Dầu hạt bông 40% + dầu đinh hương 20% + dầu tỏi 10% (GC – Mite 70DD). Emamectin benzoate( Map Winer 5WG; Tasieu 1.0 EC, 3.6 EC). Emamectin benzoate + Matrine ( Rholam super 12 EC)). Fenpyroximate (Ortus 5 SC); Fenpropathrin(Vimite 10EC), Milbemectin (Benknock 1 EC) liều lượng, nồng độ theo khuyến cáo.
Sâu xanh
- Trưởng thành: Thân dài 15-20mm, màu nâu vàng. Cánh trước màu nâu vàng có 3 vân ngang hình lượn sóng, mép ngoài có 7 điểm đen xếp thành hàng.
- Trứng: Hình bán cầu, đường kính 0,5mm. Lúc mới đẻ có màu trắng sữa, về sau chuyển sang màu vàng tro, mặt trên có nhiều gân dọc.
- Sâu non: màu xám nhạt hoặc màu vàng nhạt. Đẫy sức dài 40mm
- Nhộng: Dài 18-20mm, màu nâu sáng, nhẵn bóng, phía cuối bụng có một đôi gai ngắn màu đen.
Biện pháp phòng trừ:
- Ngắt bỏ ổ trứng, cắt bỏ hoặc tiêu huỷ các bộ phận bị sâu xanh phá hại như lá, cành, nụ hoa… Luân canh với một số cây trồng khác họ.
- Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc Abamectin ( Plutel 1.8, 3.6 EC, Reasgant 1.8EC, 3.6EC; Delfin WG, Thuricide HP) để phòng trừ.
Lời kết
Hoa hồng từ khi còn là một chiếc nụ bé xíu đến khi nở hoa rực rỡ và ngay cả khi cánh hoa cuối cùng rụng xuống thì chúng vẫn luôn đẹp. Tuy nhiên, cũng vì vẻ đẹp tuyệt mỹ ấy mà cây hoa hồng dễ mắc và thu hút nhiều sâu bệnh như: Rệp, bọ trĩ, nhện đỏ, sâu xanh,… Với đặc điểm hình thái của 4 loại sâu bệnh hại trên cây hoa hồng mà chúng tôi chia sẻ trên đây chắc chắn sẽ giúp các bạn phòng trừ được sâu bệnh hại cho hoa hồng. Chúc vườn hồng nhà bạn luôn khỏe đẹp và phát triển tốt!