Hướng điều trị bệnh viêm phế quản truyền nhiễm ở gà mà bà con nông dân nên biết. Căn bệnh truyền nhiễm này là một loại bệnh cấp tính do Coronavirus gây ra trong những điều kiện thuận lợi. chính vì thế thời điểm giao mùa thu sang đông là thời kì gà dễ nhiễm bệnh do stress vì lạnh và thiếu dinh dưỡng. Căn bệnh này lây qua không khí nên khá khó phòng tránh và thường sẽ ủ bệnh khoảng từ 18-36 giờ. Đây là căn bệnh làm gà bị suy hô hấp nghiêm trọng, viêm thận và đặc biệt nó làm giảm sản lượng đẻ và chất lượng của trứng.
Chính vì thế việc nắm được triệu chứng để phòng ngừa lây lan và có biện pháp chữa trị là vô cùng quan trọng. Chính vì thế chúng tôi xin giới thiệu với các bạn những đặc điểm về căn bệnh này nhé.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB) do một virus corona gây ra với các kháng nguyên đa dạng. Vì thế, có rất nhiều chủng được xác định như: Massachusetts, Arkansas 99, Connecticut… Bệnh có thể có những triệu trứng và bệnh tích khác nhau giữa các chủng. Virus có khả năng biến chủng rất cao. Vì vậy đây là bệnh đang rất được quan tâm trên toàn thế giới. Gà ở mọi lứa tuổi dễ bị mắc bệnh nhưng các dấu hiệu lâm sàng có thể thay đổi. Các dấu hiệu đầu tiên công nhận và dễ thấy nhất là những dấu hiệu về đường hô hấp. Do đó bệnh có tên là viêm phế quản truyền nhiễm. Sau đây là hướng dẫn một số triệu chứng của ga bị bệnh.
Biểu hiện bệnh
– Gà con khi bị bệnh có biểu hiện: há mồm ra thở, ho, hắt hơi, ran khí quản, dịch mũi chảy, mắt ướt, mắt sưng; thường tụm lại dưới chụp sưởi ấm, xù lông, phân loãng, ăn ít, uống nước nhiều, sút cân. Gà bị bệnh lúc mới nở có thể gây tổn thương cố định tới đường sinh dục dẫn đến giảm đẻ, trứng kém chất lượng.
– Gà lớn bị bệnh tổn thương ở ống dẫn trứng ít nghiêm trọng hơn, không có dịch mũi, có trường hợp không có triệu chứng lâm sàng (bên ngoài).
– Ở gà đẻ, bên cạnh các bệnh lý hô hấp thì giảm đẻ rõ rệt, giảm tỷ lệ trứng giống, tỷ lệ ấp nở giảm, trứng vỏ mềm, dị dạng, xù xì tăng cao.
– Bệnh lan bệnh rất nhanh, thường nhiễm cao đến 100%, tỷ lệ chết đến 25% hoặc hơn nữa ở gà dưới 6 tuần tuổi và không đáng kể ở gà đã trên 6 tuần tuổi.
Cách phòng và hướng điều trị bệnh
Ðây là bệnh do virus, chưa có thuốc đặc trị, do đó hướng phòng bệnh là chủ yếu. Có thể dùng kháng sinh để tránh phụ nhiễm. Cung cấp các chất điện giải trong trường hợp gà bệnh thể viêm thận. Cần áp dụng các biện pháp vệ sinh; sát trùng một cách nghiêm ngặt chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, lò ấp trứng… bằng các chế phẩm như Navetkon-S, dung dịch Benkocid, BKA… Gà giống phải được mua từ các cơ sở không mắc bệnh. Gà phải được cách ly theo dõi ít nhất 1 tuần.
Xử lý tốt xác chết, phân và chất độn chuồng. Nên loại thải gà đẻ bị mắc bệnh. Quản lý chăm sóc đàn tốt, chuồng trại thông thoáng, nhiệt độ, ẩm độ thích hợp. Cần vệ sinh thức ăn, nước uống và dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ tránh nhiễm bẩn. Sử dụng các chế phẩm phòng chống stress cho gà nhất là lúc giao mùa, chuyển chuồng. Tiêm phòng như Vita-Electrolytes, Vitamin C… Phòng bệnh bằng vaccine được xem là biện pháp chủ yếu. Có 2 loại vaccine: Vaccine vô hoạt thường dùng cho gà đẻ với đường tiêm bắp thịt (thịt ức) hoặc dưới da vùng cổ; Vaccine sống nhược độc dùng cho gà con, gà giò bằng đường nhỏ mắt, nhỏ mũi, cho uống.