Thịt thỏ là loại thực phẩm rất có lợi cho tim mạch và hệ tuần hoàn vì thịt thỏ có giá trị dinh dưỡng, hàm lượng đạm và nước cao, trong khi lượng mỡ và cholesterone thấp. Tuy nhiên, thỏ là vật nuôi có khả năng thích ứng với môi trường kém và rất nhạy cảm với các yếu tố ngoại cảnh. Sức đề kháng cơ thể của thỏ kém, nên rất dễ bị cảm nhiễm các mầm bệnh, đặc biệt là bệnh viêm đường hô hấp. Do đó, để hạn chế tối đa tổn thất kinh tế do bệnh đường hô hấp là điều rất quan trọng trong chăn nuôi thỏ.
Viêm đường hô hấp có thể xảy ra ở hầu hết các loài vật nuôi, trong đó có thỏ. Khi thỏ mắc bệnh sẽ gây thiệt hại về năng suất và kinh tế của các hộ chăn nuôi. Điều này khiến nhiều người chăn nuôi thỏ rất lo lắng và chưa biết cách xử lí như thế nào. Do đó, bà con cần chú ý chế độ chăm sóc, dinh dưỡng và vệ sinh chuồng trại sao cho phù hợp. Sau đây chúng tôi sẽ tổng hợp gửi tới bà con những kiến thức bổ ích về viêm đường hô hấp ở thỏ và cách phòng trị bệnh hiệu quả.
Nguyên nhân của bệnh viêm đường hô hấp ở thỏ
Thỏ là vật nuôi rất nhạy cảm với các bệnh đường hô hấp. Trong niêm mạc đường khí quản của thỏ thường có vi trùng Pasteurella và Bordetella tiềm sinh. Khi sức đề kháng của cơ thể giảm sút (do môi trường ngoại cảnh tác động như gió lùa, thay đổi thời tiết đột ngột, dinh dưỡng kém hoặc viêm mũi kéo dài…). Thì vi trùng này sẽ tấn công và gây bệnh ở nhiều dạng khác nhau. Chẳng hạn như: viêm phổi, viêm kết mạc, phế mạc, viêm màng ngoài tim, viêm não,… Bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp do hít thở phải vi trùng ô nhiễm trong phân, bụi không khí. Bệnh có thể xảy ra trên mọi lứa tuổi của thỏ.
Triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp ở thỏ
Thường thấy nhất là bị sổ mũi, con vật hắt hơi, chảy nước mũi có bọt. Sau đó có lẫn dịch nhờn bít kín lỗ mũi làm thú thở khò khè. Sau đó thể chuyển sang bệnh viêm phế quản và phổi. Thỏ bỏ ăn, sốt cao 41 – 42 độ C, khó thở, gầy yếu nhanh rồi chết. Bệnh ở dạng cấp tính, có thể làm thỏ chết đột ngột, chết nhiều trong thời gian ngắn mà không kịp thấy triệu chứng. Nếu bệnh trở thành thể mãn tính và mang trùng thì đó là các ổ bệnh rất nguy hiểm.
Một số cách phòng bệnh hiệu quả
Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp nên phải đề phòng bằng cách nuôi dưỡng chăm sóc tốt. Bảo quản thỏ trong môi trường hợp vệ sinh, không nên nhốt thỏ trên chuồng gà, chuồng heo. Như vậy sẽ vừa ngột ngạt, vừa có nguy cơ lây lan mầm bệnh từ vật nuôi khác sang thỏ. Định kỳ sát trùng chuồng trại 10 ngày/lần. Bà con cần tăng cường sức đề kháng cho thỏ bằng cách bổ sung các loại vitamin và các loại thức ăn có chất lượng. Khi thời tiết thay đổi, hoà kháng sinh vào nước cho thỏ uống trong 3 ngày liên tiếp.
Điều trị viêm đường hô hấp ở thỏ
Trên thị trường hiện đang bán nhiều loại thuốc trị viêm đường hô hấp ở thỏ. Tuy nhiên có nhiều thuốc tính an toàn hạn chế và lâu dần sẽ kháng thuốc. Vì vậy bà con cần lưu ý chọn lựa những loại thuốc đặc trị và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
- Kháng sinh: genta-tylo, enrofloxacin 5%, pendistrep, amoxycillin tiêm dưới da 3 ngày liên tục. Với liều lượng 1cc/5kg thể trọng của thỏ.
- Bổ sung B-complex: 3 – 5cc/con
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp quý bà con có được những kiến thức bổ ích trong việc chăn nuôi. Cũng như biết cách phòng trị viêm đường hô hấp ở thỏ hiệu quả phù hợp.