Bệnh nấm thủy mi là một trong những căn bệnh phổ biến thường gặp nhất đối với nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Nhất là vào lúc diễn biến phức tạp trong thời điểm giao mùa. Hoặc vào mùa mưa, nhiệt độ thay đổi đột ngột từ cao xuống thấp đã tạo điều kiện cho các virus, vi sinh khuẩn phát triển tấn công vào các loài cá. Đặc biệt là bệnh nấm thủy mi rất phổ biến và gây thiệt hại không nhỏ cho nghề nuôi cá. Bệnh nấm thủy mi tấn công hầu hết các loại cá nước ngọt trong đó thường gặp nhất là ở cá chép, cá trắm, cá lóc, cá mè…Bệnh này có biểu hiện như thế nào? Cách phòng và điều trị ra sao? Mời bà con hãy tham khảo những thông tin được chúng tôi chia sẻ cụ thể dưới đây nhé.
Nguyên nhân gây bệnh nấm thủy mi
Bệnh nấm thủy mi gây ra bởi các loại nấm dạng sợi. Thuộc nhóm nấm bậc thấp có cấu tạo đa bào nhưng không có vách ngăn thuộc các giống: Leptolegnia, Saprolegnia và Achlya; Họ Saprolegniaceae; Bộ Saprolegniales. Các sợi nấm có chiều dài từ 3 – 5mm có phân nhánh và chia làm 2 phần. Phần gốc bám vào cơ thể cá; phần ngọn tự do trong môi trường nước. Bào tử nấm có tiêm mao, có thể bơi tự do trong nước nên khả năng lây truyền rất cao. Bệnh này phát triển mạnh ở đàn cá bị tổn thương trên da. Do quá trình tác động đánh bắt, vận chuyển hay ký sinh trùng.
Bệnh phát triển khi nhiệt độ môi trường xuống thấp thích hợp từ 18 – 25 độ. Nhiệt độ phổ biến vào mùa thu, đông xuân miền Bắc và mùa mưa ở miền Nam. Bệnh phát triển thuận lợi ở những ao nước tù bẩn, mật độ nuôi cao; hàm lượng hữu cơ dư thừa cao. Và trong các bể trứng bị ung nhiều gây thiệt hại kinh tế cho các hộ nuôi trồng thủy sản.
Dấu hiệu bệnh lý của bệnh nấm thủy mi
Giai đoạn đầu bệnh rất khó phát hiện, chúng chỉ bị phát hiện khi bệnh đã trở nặng. Cơ thể cá xuất hiện nhưng khoang trắng xám. Sau vài ngày chỗ đó xuất hiện những sợi nấm mảnh và phát triển thành búi (giống bông gòn). Cá bị bệnh nấm thủy mi có hiện tượng bơi bất bình thường; bơi hỗn loạn do bị ngứa ngáy; hay chà sát cơ thể vào thành bể làm tróc da, vảy. Và do đó tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn xâm nhập và phát triển mạnh khiến tình trạng cá ngày càng trầm trọng.
Nấm thủy mi tấn công gây ung trứng cá, đặc biệt trứng cá chép chịu ảnh hưởng rất lớn bởi bệnh này. Nấm ký sinh cắm sâu vào thành trứng, phần ngọn tự do trong nước (nhìn trông giống hoa gạo) khiến trứng cá chết với nhân trứng chuyển sang màu trắng đục.
Biện pháp phòng ngừa bệnh
- Cải tạo ao sau mỗi vụ nuôi bằng cách vét bùn, tạt vôi diệt tạp từ 7 – 10kg/100m2 diện tích ao nuôi.
- Chọn công thức nuôi cho phù hợp, không nuôi với mật độ quá dày trong khi môi trường nước không tốt.
- Cá giống trước khi thả cần được tắm qua nước muối với liều lượng 2 – 4g muối/lít nước.
- Cho ăn đảm bảo 4 định: định lượng, định chất, định thời gian, định địa điểm.
- Rắc vôi định kỳ xuống ao nuôi 2 lần/tháng và trước khi trời mưa từ 1.5 – 2kg/1000m3 nước ao.
- Treo túi vôi 2 – 4kg/túi quanh chỗ cho cá ăn.
- Định kỳ bổ sung Vitamin C bằng cách trộn vào thức ăn cho cá ăn với liều lượng 200 – 300g/100kg thức ăn.
- Định kỳ 15 ngày/lần dùng TS B52 liều 2kg/1000 m3 nước ao nuôi sẽ xử lý nước đục, váng nhớt, làm sạch nước,…
- Định kỳ 15 ngày/lần dùng vi sinh TS 01 phân hủy nhanh xác động thực vật, thức ăn dư thừa, mùn bã hữu cơ.
- Thường xuyên theo dõi màu nước ao nuôi và kiểm tra khả năng phản xạ cũng như bắt mồi của cá.
- Nếu nguồn nước thuận lợi nên thay và cấp nước mới thường xuyên cho ao nuôi.
Điều trị bệnh
Sử lý ngay bằng thuốc sát khuẩn Anirat, thuốc Xanh methylen, thuốc Tím(KMnO4) hoặc TOLAMIN để tiêu diệt nấm. Nên sử dụng 2 – 3 lần để đạt hiệu quả tốt. 4 – 5 ngày sau từ khi sử dụng hóa chất sử dụng men vi sinh để loại bỏ, phân hủy mùn bã hữu cơ, tạp chất dư thừa dưới đáy ao. Kèm theo đó bà con cần bổ sung thêm Vitamin C35 DOBIO, men tiêu hóa DOBIO ZYME để nâng cao sức đề kháng cho cá. Chúc bà con có một mùa vụ thành công!!!!