Trong những năm gần đây, diện tích nuôi tôm chân trắng Nam Mỹ (Penaeus vannamei) không ngừng tăng lên, kéo theo đó là diện tích nuôi cá giảm dần. Để ổn định và phát triển trang trại nuôi cá rô phi, một cơ sở nuôi trồng thủy sản ở Tùng Hạ (thành phố Thượng Ngư, tỉnh Chiết Giang) đã nuôi ghép cá rô phi với tôm thẻ chân trắng Nam Mỹ trong ao nhằm đạt được lợi nhuận cao.
Qua mô hình nuôi ghép cho thấy việc nuôi ghép cá rô phi trong ao nuôi tôm chân trắng Nam Mỹ làm tăng “cạnh tranh” giữa hai loài, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trên tôm, tạo ra sản phẩm thủy sản có chất lượng và hiệu quả kinh tế, đồng thời mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi cá rô phi. Để hiểu hơn về mô hình nuôi này, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.
Xây dựng ao nuôi
Vị trí ao ở ven biển với tổng diện tích là 120 mẫu (1 mẫu = 666 m2), xung quanh không có nguồn ô nhiễm, nguồn nước dồi dào, chất lượng nước tốt, nước trong, sạch, nước được dẫn vào và tháo ra tiện lợi. Mỗi ao có diện tích từ 6 – 10 mẫu, đa số các ao có hướng Đông Tây, mực nước trong ao từ 1,5 đến 2m.
Kế hoạch chuẩn bị trước khi nuôi
Tiến hành các công việc sửa sang lại ao, vét bùn đọng, làm sạch ao. 20 ngày trước khi thả giống, dùng 150 kg/mẫu vôi sống, hòa thành nước vôi, rải khắp ao để khử trùng; tiêu diệt sinh vật có hại, sinh vật gây bệnh và vật chủ trung gian mang mầm bệnh. Trước khi thả nuôi 10 ngày, dẫn nước vào, nước phải được lọc qua lưới có kích cỡ mắt lưới từ 0,3 – 0,4 mm, dẫn nước cho tới khi mực nước cao khoảng 50 cm.
Kích thước đạt chuẩn của con giống khi thả
Ngày 20 tháng 4, thả giống tôm chân trắng Nam Mỹ với mật độ thả là 43 nghìn con/mẫu. Khi tôm đạt 3 cm, ngày 10 tháng 5, thả giống cá rô phi có kích cỡ là 40 con/kg, với mật độ thả là 280 con/mẫu.
Thức ăn và quản lý nước
Cách cho quan
Căn cứ vào tập tính bắt mồi của tôm chân trắng Nam Mỹ và cá rô phi; áp dụng phương thức chỉ cho ăn vào lúc sáng và tối. Tức là cho tôm chân trắng Nam Mỹ ăn vào lúc trước khi trời sáng và sau khi trời đã tối, ban ngày không cho ăn. Thức ăn được thả ở chỗ bãi nông xung quanh ao. Lượng cho ăn nhiều hơn một ít so với lượng thức ăn chỉ chuyên nuôi tôm chân trắng Nam Mỹ. Thức ăn do tôm chân trắng Nam Mỹ ăn còn thừa lại thì được cá rô phi tận dụng nốt.
Quy trình quản lý nước
Kịp thời cấp nước, thay nước mới. Nói chung, giai đoạn đầu khi nuôi phải thường xuyên thay nước để đảm bảo chất lượng nước. Đến khi tôm chân trắng Nam Mỹ đạt tới 8 cm thì căn cứ vào tình hình chất nước để quyết định thời điểm thay nước. Lượng nước thay mỗi lần không quá 20 cm. Định kỳ sử dụng chế phẩm vi sinh vật để điều chỉnh chất nước. Nói chung cứ cách 20 ngày dùng 1 lần. Kịp thời sử dụng máy sục khí để làm tăng hàm lượng ôxy hòa tan. Đồng thời phòng ngừa hiện tượng tôm nổi đầu.
Chăm sóc
Hàng ngày, cần sớm – tối tuần tra ao, quan sát chất nước. Theo dõi tình hình hoạt động và kiếm mồi của tôm. Kịp thời phòng trị bệnh, đặc biệt là phải làm tốt công tác ghi chép.
Thu hoạch vụ nuôi
Hạ tuần tháng 8 bắt đầu thu hoạch tôm, căn cứ vào sự khác nhau về tập tính của tôm chân trắng Nam Mỹ và cá rô phi, căn cứ vào đặc điểm hoạt động khác nhau của chúng, quyết định tiến hành thu hoạch tôm vào buổi tối, thời điểm thu hoạch là sau 8 giờ tối, vì lúc này cá rô phi đang ở trong trạng thái nghỉ ngơi, còn tôm chân trắng Nam Mỹ thì ở trong trạng thái hoạt động mãnh liệt. Vì thế, tôm chân trắng Nam Mỹ bơi vào lồng nhiều, còn cá rô phi vào lồng cực kỳ ít. Sản lượng thu hoạch tôm chân trắng Nam Mỹ trung bình là 360 kg/mẫu. Sản lượng cá rô phi trung bình là 134 kg/mẫu.
Nhận xét và kết luận
Cá Rô phi chịu được hàm lượng ôxy hoà tan thấp, khả năng bắt mồi mạnh, tính ăn tạp. Không chỉ có thể ăn được thức ăn thừa và phân của tôm Chân trắng Nam Mỹ; mà còn có thể ăn được tôm chết và một số loài tảo lam, tảo dạng sợi. Do đó, rất có ích trong việc cải thiện nguồn nước nuôi. Cụ thể là giúp nâng cao độ trong của nước, ổn định pH, từ đó hạ thấp đạm dạng amôniac,v.v…
Hệ số thức ăn của tôm Chân trắng Nam Mỹ nuôi đơn thường giữ ở mức 1 – 1,1. Trong khi hệ số thức ăn của tôm Chân trắng Nam Mỹ khi nuôi ghép với cá Rô phi vào khoảng 1,2 – 1,3. Tuy tăng giá thành thức ăn tôm Chân trắng Nam Mỹ nhưng có thể giảm thiểu ô nhiễm nước, ngăn chặn và hạ thấp được nguồn dịch bệnh. Do đó, nâng cao hiệu quả kinh tế nuôi, rất có triển vọng mở rộng.