Các bệnh phổ biến ở gia súc dễ xảy ra vào hai mùa chính là mùa hè và mùa đông. Do mùa đông nhiệt độ xuống thấp cộng với độ ẩm không khí cao làm cho cơ thể trâu, bò bị tiêu hao nhiều năng lượng để tăng khả năng chống rét. Do đó, sức đề kháng sẽ bị giảm, tạo cơ hội cho vi sinh vật gây bệnh xâm nhập. Còn mùa nắng nóng thường ảnh hưởng lớn đến trâu, bò do tác động của nhiệt độ cao làm giảm thu nhận thức ăn và sức đề kháng. Trong đó, bệnh ngã nước là một trong những bệnh thường gặp của trâu, bò.
Bệnh ngã nước ở trâu bò mà người chăn nuôi thường gọi là bệnh ký sinh trùng là do một loại vi sinh vật ký sinh trong máu có tên là tiêu mao trùng (hay còn gọi là Xura) gây ra. Bệnh này thường chỉ xảy ra khi trâu, bò từ trên núi xuống đồng bằng. Bệnh này có thể gây ra nhiều thiệt hại vì nó có thể làm chết cả một đàn. Dịch bệnh thường xảy ra vào mùa nóng ẩm, mưa nhiều từ tháng 4 đến tháng 9. Bởi vì trong thời gian này là điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển của ruồi và mòng.
Nguyên nhân gây ra bệnh ngã nước
Bệnh lây lan do ruồi, muỗi, mòng hoặc đỉa, vắt đốt con vật bệnh rồi đốt sang trâu, bò khoẻ. Trâu, bò ở miền núi có thể mang mầm bệnh. Nhưng do được ăn đủ cỏ, ít phải cày bừa nên mầm bệnh không phát. Nhưng nếu chuyển chúng về miền xuôi, do lượng cỏ hạn chế, lại phải cày bừa nặng nhọc, sức khoẻ giảm sút. Nên bệnh có thể bùng phát, người dân thường gọi là trâu ngã nước. Với trâu nuôi ở đồng bằng vốn thích nghi với điều kiện sống nên có sức đề kháng tốt hơn, tỉ lệ mắc bệnh thấp hơn.
Triệu chứng của bệnh ngã nước
Trâu, bò sốt cao 40 – 41 độ C, các cơn sốt thường không liên tục và không theo quy luật. Khi sốt cao, con vật thường biểu hiện các trạng thái thần kinh. Ví dụ như mất thăng bằng, quay cuồng, đi vòng tròn hay run rẩy từng cơn. Trâu, bò biểu hiện trạng thái thiếu máu, niêm mạc mắt, mũi, miệng nhợt nhạt. Một số con biểu hiện trạng thái viêm kết mạc mắt và giác mạc (mắt đỏ, niêm mạc sưng đỏ và chảy dử liên tục). Trâu, bò thường bị tiêu chảy kéo dài sau những cơn sốt. Hầu hết trâu, bò suy nhược, mất dần sức đề kháng, thường chết do kiệt sức.
Cách phòng bệnh cho trâu, bò
Vì bệnh gây tác hại lớn về mặt kinh tế nên bà con cần hết sức đề phòng. Dưới đây là những biện pháp phòng và chống bệnh ngã nước ở trâu bò:
- Nếu đưa trâu từ miền núi về đồng bằng cần phải cho chúng ăn uống đầy đủ và cho tập làm quen dần với công việc.
- Đối với những vùng hay xảy ra bệnh ngã nước. Cần phải tiêm phòng cho trâu 2 lần/năm bằng thuốc đặc trị Naganol.
- Cần chú ý diệt muỗi, mòng và các vật trung gian truyền bệnh.
- Nếu thấy trâu bắt đầu có triệu chứng, cần lấy mẫu máu gửi đi kiểm tra tìm ký sinh trùng, phát hiện bệnh sớm, dùng ngay dung dịch Naganol 19% tiêm bắp với liều 10mg/kg thể trọng.
Điều trị bệnh ngã nước ở trâu, bò
- Sử dụng các loại hoá dược sau để trị bệnh: Naganol 1g/100kg thể trọng, pha với nước cất hay nước sinh lý tiêm tĩnh mạch tai, niêm 2 lần cách nhau một ngày.
- Trypadium liều 1g/100kg thể trọng pha với nước cất hay nước sinh lý thành dung dịch 2% tiêm tĩnh mạch tai hoặc tiêm sau vào bắp thịt, tiêm 1 lần.
- Azidin 1 lọ (1,18g) pha với 20ml nước sinh lý tiêm tĩnh mạch tai hay tiêm sâu vào bắp thịt cho 150kg thể trọng. Sau khi tiêm 15 ngày nếu bệnh chưa khỏi, tiêm nhắc lại lần thứ 2.
- Trong thời gian điều trị phải cho trâu, bò nghỉ làm việc. Cần lưu ý trước khi tiêm vào tĩnh mạch cần tiêm thuốc trợ sức, trợ tim (nong não hoặc cafein) cho trâu, bò. Ngoài ra phải chăm sóc và nuôi dưỡng cho tốt.